Đinh Thị Minh Nguyệt

Lỗi không xi nhan là gì? Mức phạt chuyển làn không xi nhan?

Chắc hẳn hầu hết mọi người khi tham gia giao thông đều đã từng không bật xi nhan trong những trường hợp bắt buộc như chuyển hướng xe, chuyển làn, có thể là do cố ý hoặc vô ý ví dụ như quên không bật,... Tuy vậy, nếu không may gặp phải cảnh sát giao thông, dù có lý do nào đi nữa thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ bị xử phạt về lỗi không xi nhan. Khi đó, chúng ta cần nắm rõ kiến thức về pháp luật để biết mức phạt của mình là bao nhiêu. Đối với trường hợp này, Luật Minh Gia đưa ra tư vấn như sau.

1. Quy định về lỗi không bật xi nhan

Xi nhan là cụm từ được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ pháp lý, các nhà làm luật không sử dụng thuật ngữ này mà thay vào đó, xi nhan được hiểu là đèn báo hiệu hay tín hiệu báo trước. Theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông sẽ phải có tín hiệu báo trước trong các trường hợp: chuyển làn đường, vượt xe, chuyển hướng xe, lùi xe hoặc dừng xe, đỗ xe trên đường bộ.

Do vậy, các phương tiện khi tham gia giao thông mà không bật đèn xi nhan trong các trường hợp trên thì sẽ coi là vi phạm lỗi không xi nhan và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

2. Mức phạt chuyển làn không xi nhan?

Theo khoản 1 điều 13 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Như vậy, các phương tiện khi chuyển làn đường mà không bật đèn xi nhan thì sẽ bị xử phạt tùy từng trường hợp cụ thể:

Đối với ô tô:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc (theo điểm g khoản 5 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm đ, khoản 34 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Đồng thời, ngoài mức phạt tiền, các phương tiện vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (theo điểm b khoản 11 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu phương tiện chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông (theo điểm a khoản 7 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). ​Ngoài ra, người vi phạm hành vi này còn bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo điểm c khoản 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đối với xe máy:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (theo điểm i khoản 1 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng nếu người điều khiển phương tiện chuyển làn đường không đúng quy định và gây tai nạn giao thông (theo điểm b khoản 7 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu người điều khiển xe chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước (theo điểm d khoản 4 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người có hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp người điều khiển phương tiện chuyển làn đường không đúng quy định và gây tai nạn giao thông (theo điểm a khoản 7 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đồng thời, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.

3. Lỗi không xi nhan có bị giữ giấy tờ không?

Trong các trường hợp nêu trên, khi người tham gia giao thông vi phạm vào những hành vi mà đã bị xử phạt dưới hình thức phạt tiền đồng thời còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe thì cơ quan chức năng sẽ phải tạm giữ loại giấy tờ này để phục vụ cho việc xử phạt.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp mà người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm và chỉ bị phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể tạm giữ giấy tờ để đảm bảo người vi phạm thi hành quyết định xử phạt hành chính. Cụ thể tại khoản 3 điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

"Điều 119. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;”

Như vậy, việc cơ quan chức năng giữ giấy tờ xe của người vi phạm trong trường hợp này là có căn cứ và đúng quy định. Sau khi người vi phạm giao thông hoàn thành trách nhiệm nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ trả lại giấy tờ cho người vi phạm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169