Lấy lời khai người bị bắt đang không tỉnh táo có được không?
Câu hỏi:
Thưa luật sư mấy đứa em của em hôm mùng 4 tết nó có nhậu rồi ngồi đánh đàn hát tới 1h30ph sáng thì bị nhà hàng xóm vác đá chọi qua nhà lủng tôn. Do đã uống rượu nên mấy đứa e cũng chọi đá lại. Rồi hai bên cự cãi rồi nhà hàng xóm kêu anh em của họ sang nhà em rồi lôi cổ hai đứa em của em ra đánh. Rồi bên nhà em có đâm bên đó một người bị thương.
Công an đến và mời mấy đứa em của em lên xã rồi đánh bọn nó lúc lấy lời khai. Bọn nó đang còn nhỏ lên sợ nên nhận hết . Còn bên kia thì mang dao và gậy sang nhà thì người ta khai là không mang. Vậy luật sư cho e hỏi là như vậy thì ai đúng ai sai và xử như thế nào. Và công an xã đánh bọn nhỏ lúc lấy lời khai là đúng hay sai. Lúc đó bọn nhỏ cũng đã uống rượu và nếu như lấy lời khai lúc đó là đúng hay sai ạ?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 như sau:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Theo thông tin bạn cung cấp thì em trai bạn có sử dụng dao để gây thương tích cho người khác và dao được coi là hung khi nguy hiểm nên rất có thể em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trên. Tuy nhiên, cần biết rõ tỷ lệ thương tích từ phía bên người bị thiệt hại thì mới có thể xác định khung hình phạt của em trai bạn một cách chính xác.
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về Những nguyên tắc cơ bản như sau:
Điều 8. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Điều 10. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
Theo đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể như những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Tố tụng Hình sự, vì thế khi thực hiện các giai đoạn tố tụng hình sự, bao gồm cả giai đoạn điều tra mà cụ thể là hoạt động lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam thì các điều tra viên phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc này.
Như vậy, việc điều tra viên thực hiện lấy lời khai của em bạn trong khi trạng thái tinh thần của người bị lấy lời khai không tỉnh táo có thể không đảm bảo tính khách quan của lời khai. Còn việc sử dụng vũ lực trong quá trình điều tra hoàn toàn là hành vi không hợp pháp.
Hiến pháp 2013 có quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể tại Khoản 1, Điều 20 như sau:
Điều 20.
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Như đã được ghi nhận trong Hiến pháp, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nên hành vi đánh người của điều tra viên đã bị phạm quyền công dân được quy định ở Điều luật này.
Bộ luật Hình sự có quy địnhvề tội bức cung tại Điều 374 như sau:
Điều 374. Tội bức cung
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự sát;
b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm người bị bức cung chết;
b) Dẫn đến làm oan người vô tội;
c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, điều tra viên đã có hành vi đánh em trai bạn trong khi thực hiện lấy lời khai thì tùy theo mức độ nguy hiểm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh bức cung.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất