Luật sư Phùng Gái

Lập di chúc một lần cho tài sản hình thành sau có được không?

Nhờ luật sư tư vấn giúp trường hợp lập di chúc cho 1 lần đối với các tài sản hình thành sau như sau: Chồng tôi trước đây đã có vợ và con, còn tôi thì chưa có con. Tôi và chồng tôi thỏa thuận với nhau là chồng tôi sẽ chỉ chu cấp cho con riêng ăn học đến khi học xong Đại học.

Còn toàn bộ tài sản do tôi và chồng tôi có/làm ra thì sẽ thuộc quyền sở hữu của con chung của hai chúng tôi. Chồng tôi để lại hết tiền cho vợ cũ và con nên hiện tại đến với tôi với 2 bàn tay trắng, còn tôi có một lượng tài sản nhất định trước khi kết hôn với anh ấy, tôi tin tưởng chồng và muốn tiền của tôi thành của chung để 2 vợ chồng cùng làm ăn, cùng gây dựng tương lai. Tuy nhiên, chồng tôi là người có bệnh, đặc trưng bệnh của chồng tôi là có thể qua đời sớm, mà cũng có thể sống lâu đến già. Tôi không muốn rằng, nếu chẳng may chồng tôi đột ngột qua đời thì vợ cả và con sẽ đến hỏi về phân chia tài sản.

Vì vậy, liệu chồng tôi có thể di chúc lại rằng " Tại thời điểm tôi qua đời, tất cả tài sản của tôi sẽ dành cho con của tôi và cô A". Văn phòng có công chứng cho bản di chúc như vậy không ạ? Tôi và chồng đều muốn 1 bản di chúc như vậy, chứ không muốn, mỗi lần có một lượng tài sản mới, chúng tôi lại phải sửa đổi di chúc. Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền thừa kế của cá nhân. Cụ thể:

Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, người có tài sản có quyền lập di chúc tự định đoạt tài sản của mình. Do đó, trong trường hơp của bạn thì khi người chồng có tài sản mà muốn để lại toàn bộ tài sản của mình trước khi mất cho bạn và con chung của hai người thì hoàn toàn có thể lập di chúc để định đoạt (có thể bao gồm cả những tài sản phát sinh sau thời điểm lập di chúc) và văn phòng công chứng sẽ công chứng bản di chúc theo yêu cầu của người lập (nhưng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện của một bản di chúc hợp pháp để đảm bảo tính pháp lý).

Điều 635. Di chúc có công chứng hoặc chứng thực

Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.

Tuy nhiên, sẽ phải xác định mặc dù chồng bạn có quyền lập di chúc để tự định đoạt toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho hai mẹ con bạn, nhưng vào thời điểm mở thừa kế (người chồng mất) mà những người con riêng của chồng bạn chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không thuộc các trường hợp không được quyền hưởng di sản thì mặc dù trong nội dung của di chúc không chỉ được đưởng hưởng di sản nhưng vẫn có quyền được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn