Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Làm việc theo HĐLĐ có được tăng lương theo quy định nhà nước không?

Tư vấn trường hợp quy định về tăng lương, thủ tục tăng lương và thắc mắc khi làm việc theo hợp đồng lao động có được tăng lương theo quy định của nhà nước hay không? các chế độ được hưởng theo hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc thế nào. Để tìm hiểu những vấn đề này bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc tham khảo tình huống tư vấn sau đây:

1. NLĐ làm việc theo HĐLĐ thì có được tăng lương theo quy định nhà nước không?

Câu hỏi: Thưa luật sư, nay em có vấn đề thắc mắc cần sự giúp để của luật sư, mong luật sư tư vấn giúp em. Việc là như thế này: em làm việc trong đơn vị sự nghiệp, em bắt đầu vào làm từ cuối năm 2013 cho đến nay 2017. Em chưa được vào biên chế, chỉ được ký hợp đồng trong cơ quan nơi làm việc. Hiện em được ký hợp đồng theo mức lương 2,34. em đã đóng bảo hiểm trên 2 năm. Thế em có được hưởng các chế độ của nhà nước quy định không và có được tăng lương theo quy định nhà nước không. Và trong tương lai em được vào biên chế thì em có được xét tăng lương trong những năm em làm việc trong hợp đồng không. Nếu có xin luật sư cho em xin thông tin nghị quyết nào. Em chân thành cảm ơn .

>> Nếu có vướng mắc cần tư vấn về chế độ tiền lương, hãy gọi: 1900.6169

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm trong đơn vị sự nghiệp công lập dưới hình thức hợp đồng, chưa được vào biên chế thì có thể hiểu bạn là người là người lao động và đang làm việc theo hợp đồng lao động. Vì bạn không nêu rõ các chế độ của nhà nước quy định là gì, do đó chúng tôi không thể xác định chính xác chế độ đó bạn có được hưởng hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn là người lao động thì bạn sẽ được hưởng những quyền lợi của quy định của Bộ luật lao động 2012 như: ngày nghỉ hằng năm, tiền lương làm thêm giờ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tham gia BHXH, BHYT, BHTN,...

Liên quan đến tiền lương của người lao động, Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

"1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau."

Và Điều 102 Bộ luật lao động 2012 quy định Chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương:

"Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động."

Như vậy, khi bạn làm việc ở đơn vị thì bạn được hưởng lương, mức lương do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, bạn sẽ được nâng bận, nâng lương theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong quy chế của đơn vị. Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bạn ký hợp đồng theo mức lương 2,34 thì bạn cần xác định mức lương này có thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại nơi bạn làm việc không?

Trường hợp mức lương hiện hưởng của bạn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bạn có thể làm đơn kiến nghị đơn vị thay đổi mức lương để phù hợp theo quy định pháp luật. 

Liên quan đến vấn đề khi bạn vào biên chế thì có được xét tăng lương trong những năm bạn làm việc theo hợp đồng không thì hiện nay pháp luật không có định nghĩa "biên chế" là như thế nào. Tuy nhiên, trường hợp bạn được tuyển dụng là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập thì việc xét nâng lương được quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV như sau:

"3. Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp."

Như vậy, trường hợp trong khoảng thời gian bạn làm theo hợp đồng lao động mà làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm bạn được tuyển dụng thì sẽ được tính để vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

>> Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại, liên hệ: 1900.6169

2. Kí hợp đồng tập sự sau khi hết thời gian thử việc được không?

Câu hỏi: Thưa Công ty Luật Minh Gia, tôi hiện là nhân viên phòng tổ chức - hành chính của Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa, thuộc Bộ GTVT. Tôi ký hợp đồng thử việc vào 6/2/2017, đến ngày 6/5/2017. Giờ đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng mới cho tôi nhưng lại theo hợp đồng tập sự, hưởng 85% lương hệ số. Như vậy thì đơn vị sự nghiệp làm đúng hay sai, Và dựa theo nghị định, thông tư nào. Và cho tôi xin hỏi luôn. Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa hiện tại đã tự chủ, không còn trợ giúp từ nhà nước thì có phải là 1 doanh nghiệp sự nghiệp không.Cảm ơn Công ty!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định:

" "Chế độ tập sự"  là các quy định liên quan đến quá trình người được tuyển dụng vào viên chức làm quen với môi trường công tác và tập làm những công việc của vị trí việc làm gắn với chức danh nghề sẽ được bổ nhiệm quy định trong hợp đồng làm việc." 

Và Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định chế độ tập sự như sau:

"1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật viên chức."

Từ các quy định trên có thể hiểu chế độ tập sự chỉ đặt ra đối với những người đã được trúng tuyển viên chức (trừ các trường hợp được miễn chế độ tập sự). Thời gian tập sự phụ thuộc vào chức danh nghề nghiệp của từng ngành, lĩnh vực (12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học, 09 tháng đối với chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng; 06 tháng đối với chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp. 

Đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn: Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là nhân viên phòng tổ chức - hành chính của Trường trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa, thuộc Bộ GTVT, bạn đã ký hợp đồng thử việc và giờ đơn vị ký hợp đồng mới cho bạn theo hợp đồng tập sự.​ Tuy nhiên bạn không cung cấp rõ bạn có trúng tuyển viên chức không? Nếu đã trúng tuyển viên chức thì bạn có thuộc trường hợp được miễn chế độ tập sự không ? Trường hợp bạn trúng tuyển viên chức và không thuộc trường hợp được miễn tập sự thì việc đơn vị kí hợp đồng tập sự cho bạn là phù hợp quy định pháp luật. Trường hợp bạn không được tuyển dụng vào viên chức thì hình thức kí hợp đồng tập sự là không phù hợp, bởi bản chất bạn đang là người lao động nên chỉ có hình thức hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động. Và nếu kí hợp đồng thử việc thì vẫn phải đảm bảo thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì đơn vị phải giao kết hợp đồng lao động với bạn. Như vậy, việc bạn không được tuyển dụng là viên chức mà đơn vị kí hợp đồng tập sự cho bạn là không phù hợp quy định pháp luật, bạn có thể gửi đơn kiến nghị đến đơn vị bạn yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp.  

- Liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập: 

Điều 9 Luật viên chức 2010 quy định như sau:

"1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);

b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ)..."

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định pháp luật, có tư cách pháp nhân, được giao quyền tự chủ hoàn toàn hoặc chưa được giao quyền tự chủ. Như vậy, nếu đơn vị bạn đang làm việc do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước, được giao quyền tự chủ thì vẫn được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169