Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Làm việc bán thời gian có phải ký hợp đồng lao động không?

Làm việc bán thời gian, ngoài giờ hành chính là phương thức lao động, làm việc mà nhiều bạn trẻ (nhất là học sinh, sinh viên) lựa chọn để tạo nguồn thu nhập cho bản thân. Hoặc, do đặc thù công việc nên nhiều công ty chọn sử dụng người lao động bán thời gian. Trong trường hợp này, liệu người sử dụng lao động có phải ký hợp đồng lao động không? Quyền lợi của người lao động làm việc không trọn thời gian là gì? Mời bạn đọc cùng theo dõi một số tình huống thực tế dưới đây của Luật Minh Gia.

Câu hỏi 1: Làm việc bán thời gian có phải ký hợp đồng lao động không?

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư cho tôi hỏi thắc mắc về yêu cầu ký HĐLĐ như sau: Vì yêu cầu công việc, doanh nghiệp chúng tôi có sử dụng lao động làm việc bán thời gian, lao động làm ngoài giờ hành chính thì đối với số lao động này có nhất thiết phải ký hợp đồng lao động không? Quy định thế nào? Tôi xin cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý tại Công ty luật Minh Gia. Đối với vướng mắc của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật lao động 2019 quy định về làm việc không trọn thời gian như sau:

“1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.

3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, tại Điều 14 Bộ luật lao động 2019 quy định về hình thức của hợp đồng lao động như sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Căn cứ vào quy định nêu trên, khi doanh nghiệp bạn sử dụng người lao động làm việc bán thời gian, làm ngoài giờ hành chính thì người lao động vẫn được các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian. Do đó, doanh nghiệp bạn vẫn sẽ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với những người lao động làm việc bán thời gian (không trọn thời gian).

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của bạn sử dụng người lao động làm việc bán thời gian đối với những công việc tạm thời có thời hạn dưới 1 tháng thì hai bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói mà không nhất thiết phải bằng văn bản, trừ một số trường hợp được liệt kê tại Điều 14 nêu trên.

Câu hỏi 2: Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động

Câu hỏi tư vấn: Chào anh/ chị. Anh/chị tư vấn giúp em trường hợp của em ạ. Em mới vô làm công ty, có ký hợp đồng lao động 1 năm, em mới làm được 2 tháng thì mẹ em bệnh, em phải về quê trông mẹ em ốm. Vì người nhà có gọi điện thoại báo về gấp lên hôm sau lên chị kịp nhắn tin xin nghỉ để về quê, trước đó em có tạm ứng tiền của công ty. Nay công ty yêu cầu em vào bàn giao mới trả lương, trả sổ bảo hiểm nhưng mẹ em đang nằm viện em không vào được. Em có kêu nhân sự là công ty cứ tìm kế toán khác vì mẹ em tình trạng bệnh xấu đi lên em không vào được. Họ kêu sẽ kiện em, lên anh/chị tư vấn giúp em.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý tại Công ty luật Minh Gia. Đối với vướng mắc của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp động lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định như sau:

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn ký hợp đồng lao động 1 năm với công ty và mới làm được 2 tháng thì mẹ bạn bệnh nên phải về quê trông mẹ em ốm. Như vậy, với thời hạn 1 năm bạn giao kết hợp đồng, bạn phải báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, bạn đã nghỉ việc ngay khi xin nghỉ về quê. Vì vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bạn là trái luật.

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động 2019, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bạn sẽ không được chi trả trợ cấp thôi việc và có thể sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước, hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo (nếu có).

Thứ hai, về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động 2019 về Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định như sau:

“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”

Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, trong thời hạn từ 14 đến 30 ngày làm việc (kể từ ngày bạn xin nghỉ việc), công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lương và các khoản khác (nếu có) trong thời gian bạn làm việc tại công ty. Đồng thời, trong thời hạn đó, bạn cũng phải thanh toán các khoản bồi thường cho phía công ty theo quy định tại Điều 40 (nêu trên). Hai bên có thể tự thoả thuận với nhau về phương thức thanh toán khoản tiền mà bạn đã tạm ứng trước đó.

Bên cạnh đó, khi hợp đồng lao động chấm dứt, phía công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Trường hợp công ty không thực hiện theo đúng quy định nêu trên, bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Công đoàn của công ty, hoặc Gửi Ban quản lý, điều hành công ty để được giải quyết. Nếu công ty không tiếp nhận giải quyết khiếu nại hoặc bạn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì bạn có thể làm đơn gửi Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của công ty hoặc trực tiếp khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn