Làm thế nào để thu hồi nợ tín dụng?
Nội dung tư vấn: Xin chào anh/chị! Anh chị cho em hỏi về việc nợ do vay ké, xâm tiêu không thu hồi được mà muốn khởi kiện thì cần thủ tục, giấy tờ, bằng chứng gì để gửi cùng đơn ra tòa án? Trình tự các bước chuẩn bị và thi hành án thế nào? Thời gian, án phí bao nhiêu? Tham chiếu quy định pháp luật nào cho nội dung này? Vì thực tế tổ chức em là 1 đơn vị quỹ xã hội cho vay món nhỏ theo hình thức tài chính vi mô cho đối tượng nghèo, thu nhập thấp nhưng trong quá trình làm cán bộ, lãnh đạo phụ trách quỹ tại địa phương đã cho vay sai quy định về đối tượng, về khoản vay. Một số đối tượng đã làm khống nhiều hồ sơ vay, chữ ký khách hàng để vay được khoản tiền lớn. Sau đó tổ chức phát hiện được sai phạm và đã yêu cầu lập biên bản cam kết trả nợ đối với người vay và biên bản quy trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo liên đới. Tuy nhiên đến nay còn 1 số đối tượng do nợ nần nhiều chỗ mất khả năng thanh toán và không thực hiện được đúng cam kết trả nợ đối với tổ chức. Rất mong anh chị phản hồi sớm. Em cảm ơn anh chị nhiều!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, trách nhiệm của các bên trong trường hợp của bạn.
- Đối với những người vay có hành vi lập hồ sơ giả mạo.
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội."
Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép:
"Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."
Với những hồ sơ vay vốn bị giả mạo sẽ không tuân thủ được điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Khi đó, hợp đồng vay vốn xuất hiện hành vi lừa đối của một bên chủ thể nhằm cho bên cho vay hiểu sai về chủ thể, đối tượng vay thì hợp đồng vay bị vô hiệu do bị lừa dối. Như vậy, khi xác định những hồ sơ này là giao dịch dân sự vô hiệu thì những người có hành vi lập hồ sơ giả phải hoàn trả lại số tiền đã nhận từ hồ sơ giả tạo đó.
Trường hợp những người có hành vi lập hồ sơ giả mà có ý định chiếm đoạt thì có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất của hành vi mà người này sẽ bị xử lý theo thủ tục dân sự hoặc hình sự.
- Đối với những cán bộ, lãnh đạo phụ trách quỹ có hành vi làm sai quy định.
Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Như vậy, nếu những cán bộ, lãnh đạo có hành vi làm sai quy định, cấp tín dụng cho sai đối tượng thì tùy vào mức thiệt hại về tài sản mà họ gây ra thì sẽ bị xử lý mức phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì những người này phải có trách nhiệm bồi thường cho quỹ tín dụng.
Thứ hai, trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 gồm:
- Cơ quan nộp đơn khởi kiện: Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi các đương sự thỏa thuận.
- Hồ sơ gồm có:
+ Đơn yêu cầu giải quyết (Mẫu đơn số 1 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP);
+ Giấy tờ, tài liệu liên qua đến vụ việc;
+ Chứng minh thư nhân dân (hộ khẩu bản sao) có công chứng của bên yêu cầu khởi kiện.
- Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự:
+Thụ lý vụ án;
+ Hóa giải vụ án dân sự;
+ Chuẩn bị xét xử;
+ Mở phiên tòa xét xử;
+ Thi hành án.
Thứ ba, về án phí và thời gian giải quyết vụ án dân sự.
- Án phí: Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Mức án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:
+ Giá trị tranh chấp từ 4.000.000 đồng trở xuống, mức án phí là 200.000 đồng;
+ Giá trị tranh chấp từ trên 4.000.000 đến 400.000.000 đồng, mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp:
+ Giá trị tranh chấp là từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng, mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;
+ Giá trị tranh chấp là Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.
- Thời gian để giải quyết vụ án dân sự:
+ Thời gian để chuẩn bị xét xử: Được quy định tại Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Đối với những tranh chấp về dân sự thì thời hạn là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
+ Thơi hạn để bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực: Nếu sau khi có bản án, quyết định của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị thì sau 15 ngày bản án sẽ có hiệu lực pháp luật trừ một số trường hợp đặc biệt thì không quá 1 tháng.
Thứ tư, trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.
Sau khi quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực, Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các thủ tục sau:
- Gửi quyết định về thi hành án:
Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án
- Thông báo về thi hành án: Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
- Xác minh điều kiện thi hành án: Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
- Cưỡng chế thi hành án: Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
- Kết thúc thi hành án: Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây:
+ Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;
+ Có quyết định đình chỉ thi hành án;
+ Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Hứa Thảo Ly - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất