Làm thế nào để lấy lại giấy tờ gốc công ty giữ khi ký hợp đồng?

Luật sư tư vấn về trường hợp công ty giữ giấy tờ gốc và hành vi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi công ty luật sư Luật Minh Gia,Tôi bắt đầu làm  vào thời gian là 25/12/2015, tính đến nay là gần 2 năm và có yêu cầu khi kí kết hợp đồng, bên công ty sẽ giữ bằng cấp bản gốc của tôi, có kèm theo 1 biên bản giữ bằng. Vào ngày 27/7/2017, giám đốc công ty có gọi tôi lên phòng làm việc để giải quyết một số vấn đề xoay quanh công việc. sau cuộc nói chuyện giám đốc có nói rằng "Biến khỏi công ty" và yêu cầu tôi trả lại hết tất cả tài liệu liên quan tới công ty.Khi tôi về bàn làm việc của mình để thu dọn đồ đạc và gửi trả lại tài liệu thì giám đốc có theo sau và tỏ thái độ hung hăng, sau đó giám đốc đã có hành vi hành hung tôi giữa công ty.Vậy theo luật sư, tôi phải làm gì để có thể đòi lại quyền lợi và bằng cấp của mình khi bên giám đốc đơn phương chấm dứt hợp đồng của tôi?Tôi xin cảm ơn và rất mong nhận lại hồi âm sớm từ phía luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Theo quy định của pháp luật lao động việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động là một quyền khi người lao động thuộc các trường hơp được quy định tại điều 38 BLLĐ năm 2012 như trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, người lao động bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục với người lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn,…. Và phải báo trước cho người lao động một thời gian hợp lý như báo trước 30 ngày với hợp đồng lao động xác định thời hạn,…

 

Đối chiếu với vụ việc của bạn, công ty đã đơn phương chấm dứt trái pháp luật khi không thông báo thời gian hợp lý và không có lý do chính đáng, đồng thời hành vi giữ giấy tờ gốc của người lao động là hành vi bất hợp pháp theo quy định tại điều 20 BLLĐ năm 2012

 

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

 

Để có thể yêu cầu công ty trả lại giấy tờ cũng như đảm bảo lợi ích hợp pháp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, bạn có quyền gửi khiếu nại trực tiếp đến công ty hoặc gửi khiếu nại đến hòa giải viên lao đông tại Phòng lao động thương binh xã hội hoặc Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết theo quy định tại điều 200, 201 Bộ luật lao động năm 2012:

 

Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

 

1. Hoà giải viên lao động.

 

2. Toà án nhân dân.

 

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

…..

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

 

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

 

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

 

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

 

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

 

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

 

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

 

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Hà Tuyền- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169