Làm thế nào để đòi lại tài sản bị trộm cắp?
Nội dung tư vấn: Luật sư giải đáp giúp em:
-Tháng 7/2018 năm ngoái em có bị mất 1 chiếc xe Sh trắng;
- Ngày hôm nay 30/7/2019, em có bắt gặp chiếc xe SH biển số của em và đã trình báo với bên công an và được lên làm việc. Người mua xe cũng xác nhận xe mua không giấy tờ, số khung số máy không giống trên đăng ký xe của em (nghi bọn trộm tráo vỏ với máy sang xe khác) chỉ còn vỏ và biển của xe em;
- Theo em được biết thì quyền sở hữu chiếc xe phụ thuộc vào số khung máy trên đăng ký xe nên nếu tìm được lại người chủ thì cần giao xe lại cho họ. Vì em cũng hi vọng nên nếu không xác định được chủ xe hoặc số khung máy là được chỉnh sửa thì em có quyền hạn gì trong trường hợp này không ạ? Em cảm ơn văn phòng luật sư ạ!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Giấy đăng ký xe là giấy tờ Nhà nước cấp cho chủ sở hữu xe để công nhận quyền sở hữu của người đó đối với chiếc xe; là giấy tờ chứng minh quyền tài sản và là căn cứ để chủ sở hữu xe thực hiện các quyền của chủ sở hữu tài sản như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.
Trên giấy đăng ký xe chứa đựng các thông tin cá nhân của chủ sở hữu và các thông tin cụ thể về tài sản như số khung, số máy, nhãn hiệu, màu sơn, biển số,... đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu thông tin trên chiếc xe mà bạn bắt gặp không khớp giấy đăng ký xe mà bạn đang giữ thì không đủ căn cứ chứng minh bạn là chủ sở hữu chiếc xe.
Do đó, để có thể đòi lại chiếc xe của bạn thì cần phải tìm được người thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe hoặc có căn cứ chứng minh chiếc xe bạn bắt gặp là xe của bạn:
Trong trường hợp xác định rõ người thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe của bạn thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
...”
Trường hợp sau khi trộm cắp chiếc xe, người thực hiện hành vi trộm cắp đã thực hiện giao dịch bán chiếc xe cho người khác thì giao dịch chuyển nhượng đó được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
...”
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền chứng minh được chiếc xe mà bạn bắt gặp là xe của bạn (như xác minh lại số khung, số máy trùng khớp; hoặc người mua xe thừa nhận đã đục thêm số khung, số máy để thay đổi thông tin chiếc xe) thì khi đó bạn có quyền yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe trái pháp luật trả lại xe cho bạn theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Phòng Luật sư tư vấn luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất