Trần Diềm Quỳnh

Làm sao để lấy lại số tiền đã cho vay khi bên vay không trả nợ?

Luật sư tư vấn về việc bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả tiền và những cách để lấy lại số tiền đã cho vay. Nội dung tư vấn như sau:

Xin luật sư tư vấn giúp. Tháng 10/2016 tôi có cho người đó mượn 150 triệu không tính lãi, có viết giấy mượn nợ và ghi rõ sau 1 tháng không trả sẽ phải sang tên sổ đỏ mảnh đất do người đó đứng tên cho tôi. Nhưng từ ngày mượn nợ tới nay người đó vẫn chưa trả hết số nợ đó cho tôi. Tôi thường xuyên điện thoại, đến nhà đòi thì họ có trả được vài lần, kéo dài cho tới ngày 28al tết năm 2018 thì trả hết 65trieu, hiện tại còn thiếu 85trieu nữa nhưng tôi đoi hoài không trả,cứ hẹn hoài nhưng vẫn không lần nào trả. Xin luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi phải làm sao để có thể lấy lại số tiền đã cho mượn. Tôi cho mượn không lấy 1 đồng tiền lãi nào, chỉ là giúp người trong lúc khó khăn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia. Về yêu cầu của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Như bạn trình bày, bạn đã cho 1 người mượn tiền và có ghi giấy mượn nợ. Trong trường hợp này, bạn và bên vay đã giao kết hợp đồng vay tài sản, cụ thể là vay tiền theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Khi hai bên giao kết hợp đồng vay tài sản, nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Khi đến hạn trả nợ, bên vay phải có trách nhiệm trả đủ tiền cho bạn. Tuy nhiên, khi đến hạn, bên vay đã không trả đủ tiền.. Dù bạn đã kéo dài thời hạn trả nợ nhưng bên vay chỉ trả 65 triệu đồng, còn 85 triệu đồng hẹn sẽ trả nhưng nay vẫn chưa trả. Trong trường hợp này, nếu bạn có yêu cầu bên vay trả tiền lãi tương ứng với số tiền chậm trả thì cũng không thể đảm bảo bạn có thể nhận lại đủ số tiền 85 triệu đồng và lãi suất chậm trả nợ.

 

Do đó, để có thể lấy lại số tiền đã cho vay, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn.

 

Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên vay cư trú (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

 

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

 

Như vậy, trong thời gian 3 năm kể từ ngày bạn biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án (khoàn 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

 

Trường hợp, nếu xác định được bên vay có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả tiền, bên vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Khi đó, bạn có thể gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn