Nguyễn Thu Trang

Làm cho công ty ở nước ngoài tham gia BHXH Việt Nam thế nào?

Trong nền kinh tế thị trường, người lao động không chỉ làm việc với doanh nghiệp trong nước mà còn làm việc với các công ty của nước ngoài qua các phương thức làm việc online. Vậy, người lao động trong trường hợp này được tham gia BHXH như thế nào?

1. Tư vấn về quyền lợi của người lao động

Quyền lợi của người lao động là được tham gia BHXH, BHYT, BHTN,... khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, không phải quan hệ lao động nào cũng được ghi nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đối với các quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài.

Với người lao động làm việc cho công ty nước ngoài tại Việt Nam hay với người lao động làm việc cho công ty nước ngoài chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam sẽ được tham gia BHXH như thế nào? Chế độ hưởng gồm những gì?... Luật Minh Gia sẽ phân tích trong nội dung tư vấn dưới đây để quý khách hàng tham khảo.

2. NLĐ làm việc cho công ty NN chưa đăng ký hoạt động tại VN có được tham gia BHXH

Câu hỏi:

Hiện tại tôi đang làm cho một doanh nghiệp của Nhật tại Việt Nam và tham gia đóng bảo hiểm theo đúng luật. Tuy nhiên, sắp tới tôi sẽ chuyển sang làm cho một công ty khác và công ty này thì chỉ ở bên Nhật mà chưa có công ty cũng như văn phòng đại diện tại Việt Nam. Họ sẽ trả lương cho tôi theo hình thức chuyển trực tiếp tiền lương vào tài khoản của tôi. Tuy vậy thì tôi vẫn muốn tiếp tục đóng bảo hiểm như khi làm ở công ty cũ và cũng muốn công ty mới này phải đóng bảo hiểm cho tôi theo đúng Luật bảo hiểm của Việt Nam. Vậy xin luật sư có thể chỉ cho tôi cách tiếp tục tham gia bảo hiểm khi chuyển sang công ty mới này được không ạ? Xin cám ơn nhiều.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của chị, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, công ty này chỉ ở Nhật Bản, chưa có công ty hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Mặt khác, chị chưa nêu rõ chị sẽ ký loại hợp đồng nào với công ty Nhật Bản. Như vậy, nếu chị tự giao kết hợp đồng với công ty Nhật Bản (không thuộc trường hợp được công ty Việt Nam cho công ty Nhật Bản thuê lại lao động) thì quan hệ lao động của chị sẽ tuân theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Đồng thời, chị không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc do phụ thuộc vào quy định của pháp luật Nhật Bản. Công ty Nhật Bản không thể kê khai tham gia BHXH bắt buộc cho chị tại cơ quan Bảo hiểm xã hội của Việt Nam do pháp luật Việt Nam chưa có quy định đối với trường hợp này.

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

…”

Như vậy, nếu không thể tham gia BHXH bắt buộc, chị có thể tham gia BHXH tự nguyện (để được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất) tại cơ quan BHXH nơi chị cư trú với mức đóng và phương thức đóng quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) 03 tháng một lần;

c) 06 tháng một lần;

d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Chị tham khảo nội dung tư vấn nêu trên, nếu có thông tin bổ sung hoặc có nội dung chưa rõ, chị vui lòng liên hệ theo Hotline để được hỗ trợ nhanh nhất!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo