Kỷ luật người lao động liên kết với nhà thầu trục lợi tài sản công ty.
1. Luật sư tư vấn pháp luật lao động
Pháp luật lao động quy định về chế tài xử lý đối với người lao động gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn không có quy định giải thích rõ như thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xử lý kỷ luật sa thải theo Khoản 1 Điều 126. Vì vậy, trong quá trình xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động còn nhiều lúng túng khi xác định thiệt hại mà người lao động gây ra. Điều này dẫn đến tình trạng xử lý kỷ luật lao động thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó, để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi của mình, người sử dụng lao động cần tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc tham khảo ý kiến luật sư tư vấn luật lao động. Nếu không có thời gian tìm hiểu hoặc chưa có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi giải đáp và hướng dẫn quy định cho bạn và có hướng giải quyết phù hợp.
Để được hỗ trợ, tư vấn về kỷ luật lao động bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được hướng dẫn tư vấn.
Ngoài ra, bạn và doanh nghiệp của bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức về xử lý kỷ luật lao động.
2. Tư vấn trường hợp xử lý kỷ luật người lao động trục lợi tài sản của công ty
Câu hỏi: Kính gửi: Luật sư Minh Gia! Công ty của tôi có phân công người lao động tên X phụ trách giám sát đơn vị thi sông sửa chữa công trình trạm vận chuyển của Công ty (do Công ty A thực hiện). Tuy nhiên, người lao động này có thành lập công ty riêng là Công ty B và trong quá trình giám sát thực hiện người lao động X mua vật tư cho công ty B của mình cung cấp lại cho Công ty A phục vụ công trình của Công ty tôi để trục lợi.
Vậy Công ty tôi có thể xử lý kỷ luật người lao động X theo quy định nào (vì nội quy lao động không có nêu về trường hợp ký 3 luật như nêu trên. Hình thức kỷ luật của Công ty tôi như trong luật lao động 2012. Kính mong nhận được sự phúc đáp của Luật sư. Trân trọng./.
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, người lao động của công ty bạn phụ trách giám sát công ty A sửa chữa công trình trạm vận chuyển của công ty. Đồng thời, người lao động thành lập công ty riêng để mua nguyên vật liệu cung cấp cho công ty A thi công nhằm mục đích trục lợi tài sản của công ty.
Do đó, nếu công ty chứng minh được người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì công ty có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Khoản 1 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
…”
Khi tiến hành xử lý kỷ luật, công ty bạn cần tuân thủ chặt chẽ trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Lập biên bản ghi nhận người lao động vi phạm kỷ luật lao động;
Bước 2: Thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo cho người lao động biết thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý kỷ luật người lao động;
Bước 3: Mở cuộc họp xử lý kỷ luật lao động; lập biên bản cuộc họp;
Bước 4: Người sử dụng lao động (người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động) ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động;
Bước 5: Gửi quyết định xử lý kỷ luật lao động cho người lao động và tổ chức đại diện tập thể người lao động.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, công ty bạn có quyền yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người lao động cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”
Như vậy, khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải người lao động, ngoài việc phải chứng minh hành vi gây thiệt hại của người lao động, công ty còn phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp chưa thể hiện rõ hành vi của người lao động trục lợi tài sản của công ty như thế nào? Gây tổn thất về tài sản của công ty ra sao. Do đó, nghĩa vụ chứng minh của công ty rất quan trọng trong việc xác định căn cứ xử lý kỷ luật sa thải người lao động đúng quy định của pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất