Kỷ luật cách chức cán bộ, viên chức vay tiền không trả có đúng không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn pháp luật tới công ty Luật Minh Gia, căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng vay tài sản như sau:
"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Và Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
...
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Bạn cho một giáo viên vay với số tiền 150 triệu đồng thì giữa bạn và người đó đã xác lập hợp đồng vay tài sản. Theo đó, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu hiện tại đã đến hạn thanh toán mà người giáo viên đó không trả, mặc dù đã hứa hẹn nhiều lần thì ban có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi người này cư trú để yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
- Liên quan đến việc xử lý kỷ luật giáo viên: Vi thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể giáo viên đó là viên chức hay là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động nên chưa thể khẳng định được có áp dụng hình thức xử lý cách chức đối với người đó được hay không.
+ Trường hợp bên vay tiền bạn là viên chức:
Căn cứ Điều 12 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định hình thức xử lý kỷ luật cách chức như sau:
"Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
4. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức."
Theo đó, nếu tranh chấp giữa bạn và bên vay chỉ mang tính chất dân sự, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không thuộc trường hợp bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì không có căn cứ để xử lý kỷ luật với hình thức cách chức đối với người giáo viên này. Trường hợp bạn nộp đơn khiếu nại đến Phòng giáo dục thì cơ quan này không có thẩm quyền yêu cầu bên vay trả nợ cho bạn.
+ Trường hợp bên vay tiền bạn là người lao động:
Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2012 quy định các hình thức xử lý kỷ luật người lao động bao gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; sa thải. Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2012 chỉ quy định những trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, còn hình thức xử lý kỷ luật khác chỉ áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động. Tức là, có xử lý cách chức với bên vay tiền bạn được không phụ thuộc vào nội quy lao động của đơn vị người đó đang làm việc có quy định về hành vi này hay không. Nếu bạn nộp đơn khiếu nại đến Phòng giáo dục thì cơ quan này chỉ có thẩm quyền để xử lý kỷ luật người lao động (nếu có căn cứ) chứ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay của bạn.
Như vậy, trường hợp đến hạn thanh toán mà bên vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn mà các bên không thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp thì bạn phải nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi người đó cư trú để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nếu bạn nộp đơn khiếu nại đến Phòng giáo dục thì cơ quan này chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật người đó (nếu có căn cứ) chứ không có thẩm quyền yêu cầu bên vay trả nợ cho bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất