Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Kinh phí doanh nghiệp phải đóng khi chưa thành lập Công đoàn?

Công đoàn được thành lập với mục tiêu là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động, là tổ chức được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vậy khi không có tổ chức công đoàn, chủ thể nào sẽ có trách nhiệm bảo vệ người lao động, hoạt động bảo vệ được lấy kinh phí từ đâu? Hãy cùng Luật Minh Gia tìm hiểu thông qua nội dung tư vấn dưới đây.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào Luật sư, Công ty ty tôi thành lập từ năm 2020 và đến nay vẫn chưa thành lập Công Đoàn, theo tôi được biết thì từ năm 2015, doanh nghiệp không thành lập Công Đoàn thì vẫn phải tự liên hệ với Liên đoàn lao động quận để nộp 2% kinh phí công đoàn trích từ tiền lương đóng BHXH của Công ty cho dù không nhận được yêu cầu hay thông báo gì từ Liên đoàn lao động.

Xin Luật sư cho tôi biết: Nếu Công ty tôi không nộp thì có bị phạt ko và mức phạt là bao nhiêu? Còn nếu nộp thì có bị truy thu không và truy thu từ thời điểm nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc thành lập công đoàn

Điều 1 Luật công đoàn 2012 quy định về công đoàn như sau: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Theo quy định của pháp luật, công đoàn được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, do vậy doanh nghiệp không bắt buộc phải thành lập công đoàn.

Thứ hai, về kinh phí công đoàn doanh nghiệp phải đóng

Khoản 4 Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định đối tượng đóng kinh phí công đoàn như sau:“Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

...

4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.”

Như vậy, dù công ty bạn chưa thành lập công đoàn vẫn thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn.

Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định về mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn như sau:Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…                                                                 

Như vậy, mức đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp sẽ phải đóng kinh phí này cho công đoàn cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Thứ ba, về xử phạt hành vi không đóng kinh phí công đoàn

Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm về đóng kinh phí công đoàn như sau:

“1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;

b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;

c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Như vậy, tùy thuộc vào hành vi của người sử dụng lao động là chậm đóng kinh phí công đoàn, đóng không đúng mức kinh phí công đoàn, đóng không đủ số lượng người thuộc đối tượng phải đóng hay không đóng kinh phí công đoàn thì sẽ có mức xử phạt khác nhau, mức phạt tiền từ 12% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Mức phạt tiền nêu trên là đối với hành vi vi phạm của cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, công ty phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169