Cà Thị Phương

Kiện đòi tài sản trong trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt?

Luật sư tư vấn về trường hợp bị nhờ một đồng chí lãnh đạo chuyển công tác với số tiền là 700.000.000 đồng, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và kiện đòi tài sản bị lừa đảo. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính gửi Công ty Luật Minh Gia, do lý do cá nhân, gia đình tôi có nhờ liên hệ và làm quen 01 đồng chí lãnh đạo. Đồng chí này ra giá chuyển công tác cho vợ tôi với giá trọn gói 700.000.000 đồng. Tuy nhiên, đồng chí này liên tục gọi điện, yêu cầu gia đình tôi chuyển thêm tiền với lí do các Lãnh đạo chưa đồng ý. Đặc biệt, có 01 lần, đồng chí thông báo với gia đình tôi đã có quyết định chuyển công tác rồi, và có ý muốn vay gia đình tôi thêm 300.000.000đ. Nhưng sự thật là quyết định vẫn chưa được ký. Đến nay, đã 3 tháng trôi qua, tổng số tiền mà gia đình tôi đã chuyển là 1.400.000.000 (1,4 tỉ đồng) bao gồm 700.000.000 tiền mặt, trao tại ngân hàng có người làm chứng và 700.000.000 chuyển khoản, có đầy đủ tin nhắn yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản nhận tiền có tên và ảnh của đồng chí công an. Hiện nay, đồng chí  nói trên có biểu hiện chặn liên lạc với gia đình, có dấu hiệu lừa đảo, tôi muốn hỏi trong trường hợp xấu nhất, tôi phải làm gì để có thể lấy lại số tiền nói trên? Nếu đưa ra tòa, thì vợ tôi - với tư cách là người chạy tiền để chuyển công tác có bị ảnh hưởng gì không? Tôi kính mong các Luật sư có thể cho gia đình tôi lời khuyên! Trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

 

Vì thông tin bạn đưa ra chưa rõ nên vẫn chưa thể xác định chính xác tội của đồng chí lãnh đạo trong trường hợp này. Các tội mà đồng chí lãnh đạo này phạm tội có thể xác định theo một số trường hợp sau đây:

 

Trường hợp 1: Đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền chuyển công tác cho vợ anh

 

Trong trường hợp này, đồng chí lãnh đạo đã phạm tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể:

 

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

...”

 

Theo như thông tin anh đưa ra, hành vi của vợ anh có thể đã cấu thành tội đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

 

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

 

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

...

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

 

Tuy nhiên có thể được rằng trong quy định trên, người đưa hối lộ sẽ được coi là không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc vào hai trường hợp:

 

- Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Do đó, vợ anh có thể đến cơ quan công an xã phường thị trấn nơi vợ anh ở để làm đơn tố giác tội phạm, kèm theo đơn tố giác cần phải có các chứng cứ, tài liệu chứng minh tội phạm. Theo như quy định ở trên nếu vợ anh chủ động khai báo tại cơ quan công an trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

Trường hợp 2: Đồng chí lãnh đạo không có thẩm quyền chuyển công tác cho vợ anh

 

Trong trường hợp người đồng chí lãnh đạo đó không có khả năng chuyển công tác cho vợ anh, hoặc biết rõ không thể chuyển công tác cho vợ anh mà vẫn nhận chuyển công tác, nhận tiền nhằm mục đích chiếm đoạt thì đây là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

...

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

Anh và vợ có thể đến cơ quan công an xã phường thị trấn nơi anh ở để làm đơn tố giác tội phạm (có chứng cứ, tài liệu kèm theo). Để lấy lại được số tiền đã đưa cho đồng chí lãnh đạo anh cần thực hiện kiện đòi dân sự để lấy lại số tiền bị lừa.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo