LS Xuân Thuận

Không ký hợp đồng lao động để trốn bảo hiểm xã hội

Em làm cho công ty TNHH hai thành viên, hai thành viên này đều tham gia kinh doanh nhưng họ không muốn đóng BH. Nếu làm hợp đồng lao động là phải đóng Bảo hiểm, như vậy hai thành viên đó không ký hợp đồng lao động để không đóng bảo hiểm thì hợp lý không?

 
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Khoản 1 Điều 4 Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định đối tượng sau phải đóng bảo hiểm xã hội:
 
“1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
 
1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);
 
1.3. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
 
1.4. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH các tỉnh);
 
1.5. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
 
1.6. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất (thực hiện từ 01/01/2016);
 
1.7. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
 
1.8. Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH.”
 
Như vậy, nếu hai thành viên trong công ty bạn thuộc trường hợp trên thì họ vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu hai thành viên công ty bạn cố tình không làm hợp đồng lao động để không nộp bảo hiểm xã hội thì công ty có thể bị xử phạt theo quy định của Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, cụ thể là:
 
“Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
 
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
 
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
 
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
 
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
 
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Không ký hợp đồng lao động để trốn bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv Nguyễn Thúy Hạnh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo