Không được nhận trợ cấp thôi việc làm thế nào?
1. Trợ cấp thôi việc là gì? Điều kiện hưởng như thế nào?
Trợ cấp thôi việc là một khoản tiền mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc và đáp ứng được các điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
Chế độ trợ cấp thôi việc được quy định cụ thể tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019. Theo đó các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động sau đây sẽ có căn cứ để hưởng trợ cấp thôi việc:
- Hợp đồng lao động hết hạn trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
- Đã hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- Các bên cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
- Chấm dứt hợp đồng do người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, không thuộc các trường hợp được trả tự do, người lao động bị kết án tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Để được nhận trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc, người lao động cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có thời gian làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên;
- Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đều được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Do vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động người lao động nên kiểm tra kỹ quy định của pháp luật để xác định mình có được hưởng chế độ này hay không, việc công ty có chi trả hoặc không chi trả chế độ này có đúng pháp luật hay không.
2. Không được nhận trợ cấp thôi việc làm thế nào?
Nội dung câu hỏi: Chào luật sư. Mong quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật và hưởng trợ cấp thôi việc. Tôi vào làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn tại Công ty A từ 1/3/1986, làm nghề lái xe mỏ. Mức lương tham gia đóng BH 4.657.500 đồng, lương hàng tháng hưởng theo sản phẩm.
Tôi có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009. Trước là công ty TNHH, nay chuyển thành công ty cổ phần. Mấy năm trở lại đây, công việc làm thường xuyên nhưng lương thấp và chậm, gia đình tôi còn nhiều khó khăn nên hiện nay tôi muốn xin chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty để tìm việc làm mới. Tôi tìm hiểu về luật lao động thì được biết khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật (báo trước 45 ngày với Công ty) thì tôi được hưởng trợ cấp thôi việc từ năm 2009 trở việc trước do công ty chi trả và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tìm việc mới. Vậy Xin quý luật sư tư vấn giúp tôi theo pháp luật lao động hiện hành tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp không, mức hưởng như thế nào? Trong Trường hợp Công ty không chi trả trợ cấp thôi việc thì tôi phải làm như thế nào? Mong nhận được hồi âm sớm của quý luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với nội dung anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:
Thứ nhất, về chấm dứt hợp đồng lao động
Theo thông tin anh cung cấp, anh đang có ý định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, tại Điều 35 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:
“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
…”
Theo quy định nêu trên, khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người lao động phải có nghĩa vụ báo trước cho công ty trong một thời hạn nhất định. Với trường hợp của anh, hợp đồng lao động của anh đang được xác định là hợp đồng không xác định thời hạn, do đó nếu anh muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, anh phải báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày. Thực tế, anh đã đảm bảo được thời gian báo trước cho công ty là 45 ngày do đó có căn cứ xác định trường hợp của anh là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
Thứ hai, về việc hưởng trợ cấp thôi việc
Tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019 có quy định về trợ cấp thôi việc như sau:
“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.”
Theo quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp của anh, anh đã làm việc cho công ty từ 1986 đến nay, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009, căn cứ theo quy định nêu trên anh sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thời gian làm việc từ năm 1986 đến hết năm 2008.
Mức hưởng: mỗi năm làm việc anh sẽ được hưởng một nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Trường hợp công ty không trả trợ cấp thôi việc anh có quyền gửi đơn khiếu nại đến phòng lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết. Sau khi được giải quyết tại cơ quan này mà công ty vẫn không trả thì anh có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Thứ ba, về trợ cấp thất nghiệp
Đối với trợ cấp thất nghiệp, tại Điều 49 Luật việc làm 2013 có quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Đối chiếu quy định nêu trên, nếu anh đáp ứng được tất cả các điều kiện nêu trên thì anh có quyền nộp hồ sơ hưởng chế đột thất nghiệp.
Điều 50, Luật Việc làm quy định về mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước q,uy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này”
Vì bạn không nêu rõ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động nên chúng tôi không thể tính cụ thể thời gian bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bạn căn cứ vào khoản 2 Điều 50 nêu trên để tính thời gian được nhận trợ cấp thất nghiệp và căn cứ vào khoản 1 Điều 50 nêu trên bạn có thể tự áp dụng công thức sau đây để tính mức hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi thôi việc/6 x 60%.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất