Luật sư Việt Dũng

Khiếu nại công ty về bồi thường thiệt hại khi nghỉ việc

Kính gửi văn phòng luật, tôi có một vài thắc mắc như sau:Ngày 24/09/2016 tôi bắt đầu vào làm tại công ty cũ, trước khi vào làm công ty đã yêu cầu tôi đặt cọc khoản tiền 3.000.000VNĐ với lý do sợ tôi nghỉ việc sớm, làm lộ bí mật, quy trình làm việc của công ty

 

Khi vào công ty, ngoài việc phải đặt cọc số tiền này, tôi phải ký vào bản cam kết yêu cầu làm việc 2 năm. Sau 9 tháng, nhận thấy công việc không còn phù hợp nữa nên tôi đã viết đơn xin nghỉ kể từ ngày 20/04/2017. Nếu theo đúng đơn đến ngày 20/05/2017 tôi sẽ kết thúc công việc tại đây, tuy nhiên tôi chấp nhận ở lại làm tại công ty đến hết ngày 31/05/2017 với lý do công ty chưa tìm được người thay thế.  Hơn nữa trong thời gian này, công ty cũng chưa đóng BHXH cho tôi.Trong thời gian này, sau khi công ty tìm được người thay thế, tôi có thể "toàn tâm toàn ý" bàn giao công việc thì công ty vẫn giao việc cho tôi làm vì lý do người mới chưa quen việc, dẫn đến tình trạng tôi bị bàn giao chậm. Hết ngày 31/05/2017, công ty yêu cầu tôi phải làm tiếp công việc đến khi nào tôi bàn giao xong, tôi đã chấp nhận làm thêm đến hết ngày 03/06/2017. (Trước đây khi tôi nhận việc từ người cũ, tôi phải làm cả những công việc còn tồn đọng trước đó của họ, đến lượt tôi nghỉ thì họ yêu cầu tôi phải hoàn thiện xong mới được nghỉ), tôi cảm thấy vô lý và không chấp nhận.Đến thời điểm hiện tại là 20/06/2017 công ty vẫn chưa trả lại tiền lương tháng 05/2017 và tiền đặt cọc cho tôi với lý do tôi chưa bàn giao xong các công việc.- Trước đây tôi có quản lý BHLĐ, trong thời gian trước khi nghỉ việc tôi đã có thiện chí xuống kho công ty để bàn giao lại số BHLĐ này, tuy nhiên trong thời gian vừa qua do phải làm cả những công việc khác tại công ty nên công ty không sắp xếp được cho tôi xuống kho bàn giao, đến ngày 01/06/2017 tôi mới có thời gian xuống kho để bàn giao nhưng chỉ bàn giao được một số BHLĐ, số còn lại quản lý kho viện lý do đã tối nên không bàn giao nữa, yêu cầu xuống thêm 1,2 hôm. Tuy nhiên đến hôm sau là ngày tôi nghỉ việc nên tôi không chấp nhận bàn giao tiếp.Sau này, công ty tôi yêu cầu tôi phải bàn giao cả những loại BHLĐ mà trước đây tôi không được nhận từ người cũ, họ đem 1 bản bàn giao trên sổ sách ra và ép tôi là do tôi đã kí trước đó (tôi không chấp nhận vì bàn giao sổ sách thường khác với thực tế). Ngày 13/6/2017, sau khi đã gửi mail phản ánh đến Ban lãnh đạo về việc giữ lương của tôi, họ đã cho người xuống kiểm kho và số lượng một vài BHLĐ không khớp với số lượng sổ sách tôi đang nắm giữ, và yêu cầu tôi phải bồi thường việc thất thoát số bảo hộ này. Số tiền phải bồi thường là 12.000.000VNĐ, tôi không chấp nhận và cho rằng việc kiểm kho không có sự có mặt của tôi là thiếu sự chính xác, hơn nữa từ ngày tôi nghỉ đến hôm kiểm kho là 10 ngày, sẽ không dẫn tới sự chênh lệch.Vậy theo luật sư, tôi làm thế có đúng không? Việc công ty yêu cầu tôi phải bồi thường số BHLĐ đã mất liệu có chính đáng? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo quy định tại điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 có nội dung như sau:

 

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

 

Theo đó, việc công ty yêu cầu bạn đặt cọc 3 triệu để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn 2 năm như vậy là trái với quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012.  Khi chấm dứt hợp đồng lao động phía công ty có trách nhiệm như sau:

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

Như vậy, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, hai bên có trách nhiệm thanh toán đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi 2 bên, trường hợp kéo dài không được quá 30 ngày. Nếu lý do nghỉ việc của bạn nằm trong các điểm tại khoản 1 điều 37 và bạn đã thông báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày như vậy đây là việc chấm dứt hợp pháp tức là sẽ không phải bồi thường cho công ty. Còn trong trường hợp mặc dù đã báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày nhưng với lý do cá nhân không thuộc các lý do theo điều 37 thì đây là hình thức đơn phương chấm dứt trái luật và lúc này bạn sẽ phải bồi thường cho công ty một nửa tháng tiền lương.

 

Còn việc kiểm kho bảo hộ lao động là công việc nội bộ công ty, nếu trong hợp đồng lao động hay nội quy lao động đã thỏa thuận rõ nếu có thất thoát làm mất hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả,.. thì phải bồi thường, lúc này sẽ dựa vào thỏa thuận đã xác lập từ trước giữa công ty và bạn. Trong trường hợp bạn thấy việc kiểm kho thiếu minh bạch, không khách quan hoặc yêu cầu bồi thường không hợp lý thì có thể khiếu nại lên công ty để được giải quyết. Do vậy mà việc khiếu nại của bạn lên công ty không có gì sai trái, nếu cơ quan không giải quyết thì bạn có thể gửi khiếu nại đến thanh tra lao động tại Phòng lao động thương binh xã hội quận/huyện nơi công ty có trụ sở, hoặc gửi đơn trực tiếp đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo