Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Khi nào có quyền yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tật?

Pháp luật hiện hành có quy định rất đầy đủ về trách nhiệm pháp lý đối với các vụ án cố ý gây thương tích, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ án gây thương tích phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của bên bị hại. Do đó, nếu bạn chưa nắm được các quy định liên quan đến vấn đề giám định thương tật thì bạn có thể liên hệ với Luật sư để được tư vấn cụ thể.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề giám định thương tật

Đối với những vụ án cố ý gây thương tích thì kết quả giám định có nghĩa quyết định khung hình phạt đối với người có hành vi gây thương tích, do đó nhiều trường hợp kết quả giám định không chính xác thì Tòa án sẽ quyết định giám định lại để xác định chính xác mức độ thương tật của bên bị hại.

Nếu bạn hoặc người thân của mình gặp phải trường hợp này thì có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được tư vấn cụ thể về các vấn đề liên quan đến giám định thương tật và trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cố ý gây thương tích.

2. Trường hợp nào được yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tật?

Câu hỏi: Cách đây 6 tháng em có bị một nhóm thanh niên gồm 5 người đánh em gây thương tích 33% (xếp loại tạm thời) gia đình của 5 người trên đã đến và bồi thường cho em số tiền là 120.000.000 đồng. Em có viết giấy cho 5 nhà trên. Khi xét xử sơ thẩm xong thì cả em và nhà bị cáo có làm đơn kháng án xin giảm nhẹ cho các bị cáo.

Ở phiên tòa phúc thẩm em đã xin tòa án cho em đi giám định lại và tòa án đã đồng ý, nhưng đến hôm nay em lại nhận được giấy báo của tòa là đến tòa để xét xử vụ án trên. Em không hiểu lý do tại sao mà tòa án lại không cho em đi giám định lại nữa. Nếu 5 gia đình kia khiếu nại bắt em phải trả lại tiền đền bù thì em có phải trả tiền đền bù lại không. Vì trước đó em có viết giấy nếu sau này gia đình bị cáo có yêu cầu tôi đi giám định lại thì tôi sẽ làm theo yêu cầu của gia đình bị cáo.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Hành vi gây thương tích của 5 thanh niên khiến bạn bị thương tích 33% (xếp loại tạm thời) là hành vi xâm hại đến sức khỏe của cá nhân. Nên ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm về mặt hình sự, gia đình của 5 thanh niên còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Do vậy tiền bồi thường là khoản chi phí đương nhiên mà gia đình 5 thanh niên phải bồi thường cho bạn, không thể vì bất cứ lí do nào mà bạn phải trả lại, trừ trường hợp bạn từ chối nhận khoản bồi thường đó.

Về yêu cầu giám định lại trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, căn cứ theo khoản 2, 4 Điều 316 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 316. Hỏi người giám định, người định giá tài sản

2. Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, định giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.

4. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản. 

Như vậy quyết định giám định bổ sung hay giám định lại là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa khi xét thấy cần thiết sau khi đã nghe ý kiến từ những người tham gia phiên tòa mà không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa bạn và gia đình các bị cáo. Bạn có thể yêu cầu giám định lại nhưng yêu cầu này phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Việc tòa không chấp nhận giám định lại thương tật của bạn không phải là căn cứ để yêu cầu bạn trả lại khoản bồi thường đã nhận từ gia đình các bị cáo.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169