Phạm Diệu

Khi chấm dứt hợp đồng lao động công ty có được giữ lại giấy tờ, sổ BHXH không?

Luật sư tư vấn về trường hợp khi nghỉ việc công ty có được giữ lại giấy tờ, sổ BHXH của người lao động. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào anh / chị ! Em có người bạn hiện làm điều dưỡng cho Cty A từ năm 2014 ( làm việc chính thức từ 15/4/2014). Vì 1 năm gần đây Cty A thường xuyên trừ lương thưởng của bạn em và những đồng nghiệp khác với những lý do phạm lỗi mà không hề có văn bản qui phạm nào được ban hành quy định các hành vi sai phạm hay khung xử phạt nên bạn em muốn kết thúc hợp đồng lao động. Trước đó thì cuối năm 2014 bạn em có tham gia nhóm đi học chứng chỉ tại nước T trong 3 tháng với điều kiện tự đóng chi phí tự túc khoảng 130 triệu VND ( với những bạn ko đóng phí sẽ phải ký hợp đồng lao động 5 năm ). Hiện nay khi bạn em đề cập đến việc xin nghỉ thì đại diện ban lãnh đạo tỏ ý phải nộp tiền phạt mới được nghỉ việc và thậm chí đe dọa giữ bằng tốt nghiệp + chứng chỉ hành nghề và sổ bảo hiểm nữa.Vậy liệu bạn em có phải nộp tiền phạt và họ có quyền giữ các loại giấy tờ trên không ạ? Mong anh/ chị sớm giải đáp các vướng mắc trên giúp chúng em ạ. Em xin gửi kèm bản hợp đồng lao động để anh/ chị xem kĩ giùm bạn em ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về chấm dứt hợp đồng

 

Do anh/chị không nêu rõ hợp đồng giữa người bạn và bên công ty là hợp đồng lao động gì? Nên trong trường hợp này, khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động cần lưu ý:

 

- Xác định loại hợp đồng: Hợp đồng lao động là loại hợp đồng gì: hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng có xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn.

 

- Thời hạn báo trước: Tùy vào từng loại hợp đồng để đưa ra căn cứ chấm dứt cũng như thực hiện thời hạn báo trước.

 

Theo đó:

 

- Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì không cần có căn cứ (lý do). Nếu người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần thông báo trước cho người sử dụng lao động là 45 ngày trước khi nghỉ việc.

 

-  Đối với các trường hợp khác thì phải tuân thủ theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012.

 

Như vậy, trong trường hợp này người bạn của anh/chị muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải căn cứ theo các quy định nêu trên để xem xét việc việc mình đơn phương chấm dứt hợp đồng như thế nào là đúng luật. Việc chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật sẽ đảm bảo những lợi ích tối đa cho người lao động.

 

Thứ hai, về việc trừ lương

 

Tại Điều 101 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

 

Điều 101. Khấu trừ tiền lương

 

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

 

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.”

 

Theo quy định trên, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động. Với trường hợp bạn của anh/chị, bên công ty thường xuyên trừ lương thưởng với những lý do phạm lỗi mà không có văn bản quy phạm nào quy định về các hành vi sai phạm và mức xử phạt. Vì thế, trong trường hợp này, việc công ty tự ý trừ lương là trái quy định pháp luật.

 

Thứ ba, về chi phí đào tạo

 

Căn cứ tại Điều 62 Bộ luật lao động 2012 quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề:

 

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

 

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Nghề đào tạo;

 

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

 

c) Chi phí đào tạo;

 

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

 

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

 

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

 

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”

 

Căn cứ thông tin anh/chị cung cấp, người bạn của anh/chị tự túc chi phí đi học là 130 triệu, không có cam kết ở lại làm việc tại công ty. Vì thế, trong trường hợp này khi chấm dứt hợp đồng lao động không phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo. Ngoài ra,việc bên công ty yêu cầu nộp phạt là không có căn cứ.

 

Thứ tư, về việc đe dọa giữ giấy tờ

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

 

“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

 

Đồng thời căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

 “3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”

 

Như vậy, nếu phía công ty giữ giấy tờ, hồ sơ của theo quy định trên thì bên người lao động hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty phải trả lại những giấy tờ, hồ sơ đó. Trường hợp, công ty không trả lại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ thì người lao động có quyền làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp lên Phòng Lao động – Thương binh xã hội hoặc làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) để yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo