Khai khống giá dịch vụ nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng bị xử lý thế nào?
Nội dung câu hỏi: Em chào luật sư ạ. E, muốn luật sư tư vấn giúp em một chuyện như sau. Anh trai em mở 1 quán karaoke, đêm ngày 23/6 công an quận vào quán bắt giữ 10 người a trai em và 2 người nữa là chủ của quán còn lại là làm thuê. Lý do bắt là trước hôm đó có 2 khách vào trong quán gọi bia, 1 người là người trung quốc và 1 người là phiên dịch. Sau khi khách sử dụng xong a trai em có kê khống giá lên khách chỉ trả 4 triệu và không chịu trả phần còn lại, 2 bên có to tiếng qua lại (em không biết có đánh hay không) và giữ 1 người ở lại, để người kia về lấy tiền trả. Sau khi trả tiền xong thì 2 khách đó lên trên phường kiện bên công an có quyết định bắt giữ anh trai e cùng 9 người khác, không cho gặp mặt. Quán karaoke không bị niêm phong, nhưng bên họ thu giữ xe máy của anh trai em. Bên công an không thông báo cho gia đình hay người thân của ai biết cũng không cho gặp. Giam ở đó từ hôm thứ 6 đến hôm chủ nhật thì chuyển về địa điểm khác chờ xử lí và k cho gặp người nhà, chỉ được chuyển đồ ăn vào trong. Cho em hỏi bên công an xử lý vậy đúng không, và tội của a trai em sẽ xử ntn?
Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:
Thứ nhất, vấn đề xử lý của cơ quan công an
Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định về tạm giữ như sau:
“Điều 117. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.”
Điều 118 BLTTHS 2015 quy định về thời hạn tạm giữ như sau:
“Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.”
Như vậy, căn cứ theo các quy định này thì khi cơ quan công an tiến hành tạm giữ đối với anh bạn thì phải có văn bản quyết định tạm giữ trong đó nêu rõ ngày giờ địa điểm tạm giữ, lý do tạm giữ, tình hình khi tạm giữ, các đồ vật bị tạm giữ. Biên bản phải được đọc cho người bị tạm giữ và những người cùng chứng kiến nghe và cùng ký tên vào biên bản. Theo thông tin mà bạn cung cấp thì cơ quan công an xuống bắt anh bạn và những người khác trong quán mà không có quyết định tạm giữ là trái quy định của pháp luật.
Sau khi anh bạn bị tạm giữ thì thời hạn tạm giữ tối đa là 3 ngày, tuy nhiên nếu xét thấy cần phải gia hạn thì có thể gia hạn tạm giữ nhưng thời hạn tạm giữ tối đa không quá 9 ngày. Như vậy, trong trường hợp này anh của bạn rất có thể vẫn đang trong thời hạn bị tạm giữ để điều tra, khi có căn cứ về việc anh bạn phạm tội thì có thể chuyển sang biện pháp tạm giam. Việc tiến hành biện pháp tạm giữ không cần phải thông báo cho người thân của người bị tạm giữ.
Thứ hai, xử lý đối với hành vi khai khống giá nhằm chiếm đoạt tài sản
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ vì vậy việc định tội của anh bạn tương đối khó khăn. Căn cứ vào tình hình thực tế khi thực hiện hành vi khai khống để chiếm đoạt tiền của khách hàng hơn nữa có to tiếng qua lại (cần phải làm rõ tình hình sự việc) thì anh bạn có thể bị truy cứu về các tội sau đây:
Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
...
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
...
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Như vậy nếu trong trường hợp này anh bạn có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của khách hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định trên.
Điều 174 Bô luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
...”
Trân trọng!
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất