Hoài Nam

Hủy hoại tài sản của người khác phải chịu những trách nhiệm gì?

Bố thuê giang hồ đánh người nhà, để bảo vệ anh trai và trong lúc tức giận tôi đã đập phá hai ô tô của họ. Có người đã báo công an về sự việc và tôi bị gọi lên công an để làm việc, cho hỏi tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Tôi sinh ngày 8/1/2001 hiện tại đang mang thai gần sanh. Anh trai tôi sinh ngày 25/9/1998. Ba mẹ tôi đã ly hôn. Nhưng vì toà án chia không đồng đều mà ba tôi lại không cấp dưỡng cho 2 anh em tôi nên hai anh em tôi có vào vườn cao su để lấy mủ (anh tôi đã cho thuê người vào cạo). Ba tôi thấy vậy nên đã thuê giang hồ vào đánh anh tôi. Thuê tận hơn 30 người đi 3 xe ôtô cùng 3-4 chiếc xe máy khác. Người yêu của anh tôi thấy anh tôi bị đánh mà không làm gì được nên đã gọi cho tôi. Tôi từ trên nhà của mình chạy xuống vườn cao su cùng với chồng mình nhưng tôi thấy anh tôi đã lánh mặt cùng với người yêu người mua mủ và công nhân cạo mủ tại nhà người dân gần vườn cao su. Tôi và chồng tôi có ghé lại và hỏi anh chừng 5phut thì một mình tôi chạy vào vườn. Trên đường chạy vào thì tôi thấy 1 ôtô chạy ngược ra. Tôi chặn đầu xe lại và 2 người đàn ông bước xuống. Tôi có hỏi :" có phải chú đánh anh cháu không" thì cùng lúc đó chồng tôi, anh trai tôi, người yêu của anh trai tôi, người mua mủ và công nhân cạo mủ chạy vào. Đến nơi thì mấy người trên xe ôtô xuống đánh anh tôi nên chồng tôi đã lao vào can và đánh trả lại. Vì tôi đang bầu bì không làm gì được nên tôi đã lấy khúc cây bên đường và đập xe của họ với ý là để họ không đánh anh mình nữa. Và thế là họ không đánh nữa và bỏ đi về. Thế là chúng tôi tiếp tục chạy thẳng vào vườn cao su. Lúc đó có chiếc xe của bọn giang hồ đậu trước vườn, người yêu anh tôi có lên tiếng đúng chiếc xe đó rồi (chiếc xe oto của bọn giang hồ) vừa đến nơi thì tôi đã tiếp tục lấy khúc cây đập vào chiếc xe đó. Tôi tức vì trước đó anh tôi bị đánh. Đập xong thì chúng tôi bỏ đi về. Tổng cộng 1 một mình tôi đập là 2 tấm kính chắn gió 3 tấm kính cửa bên hông của 2 chiếc xe. Trên xe có người báo công an là tôi đập xe nên đã mời tôi làm việc. Tôi thấy mình không cố ý đập xe là vì họ nên tôi mới đập. Hiện tại tôi không có tiền để đền. Vậy tôi có bị truy cứu trách nhiệm không? Tôi nghe nói tổng thiệt hại là khoảng từ 15 triệu tới 20 triệu. Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia.  Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại Bộ luât dân sự 2015 quy định:

 

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

Như vậy hành vi bạn đạp phá xe của người khác gây thiệt hại đã phát sinh trách nhiệm bồi thường về tài sản. Do đó bạn phải bồi thường  thiệt hại cho chủ tài sản bị thiệt hại. Mức bồi thường và hình thức bồi thường do các bên tự thỏa thuận với nhau thông qua giá trị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Do vậy các bên nên thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại sao cho hợp lý theo quy định pháp luật.

 

Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

 

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

 

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

 

d) Để che giấu tội phạm khác;

 

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

 

e) Tái phạm nguy hiểm;

 

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

...

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Đúng là bạn không kìm được sự tức giận và dẫn đến hành vi đập phá xe của người khác, tuy nhiên hành vi đó là có chủ đích và cũng bị coi là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Do đó nếu mức thiệt hại tàu sản từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác. Khi đó, bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

Như vậy, bạn có thể sẽ phải chịu trách hiệm hình sự theo như quy định trên. Tuy nhiên, bạn đang có thai nên sẽ có tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 46 BLHS. Và nếu như phải chấp hành án mà tại thời điểm chấp hành án bạn đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì thuộc đối tượng được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 61 BLHS.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vy Diễm - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo