Lò Thị Loan

Hưởng lương hưu theo pháp luật hiện hành

Lao động nam chưa đủ 60 tuổi thì có được hưởng chế độ hưu trí hay không? Điều kiện hưởng chế độ hưu trí và mức hưởng lương hưu như thế nào? Việc hưởng các chế độ nếu thuộc đối tượng dôi dư tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP?

 

Câu hỏi: Tôi sinh ngày 09/07/1961, tham gia đóng bảo hiểm liên tục từ ngày 01/5/1981 đến nay (trong đó từ tháng 5/1981 đến tháng 8/1988 là công nhân sở ĐL; từ tháng 9/1988 đến tháng 2/1998 là công nhân Công ty Giao nhận & KV; từ tháng 3/1998 đến nay là cán bộ chuyên trách Công đoàn HH). Luật sư cho tôi hỏi:
1. Nếu tôi xin nghỉ hưu cuối năm 2015 thì tôi được hưởng tối đa là 75% lương đã đóng bảo hiểm. Vậy lương hưu của tôi là 75% lương của 60 tháng cuối trước khi nghỉ hưu hay là 75% của bình quân toàn bộ 34 năm đã đóng bảo hiểm?
2. Vào thời điểm hiện nay, tôi xin nghỉ dôi dư theo NĐ 108/2014 của CP có hiệu lực từ 10/01/2015 thì có được không? Nếu được thì cách làm như thế nào và có lợi cho tôi hơn so với nghỉ hưu theo Luật BH năm 2006 không?
Xin trân trọng cảm ơn.

Trả lời: Chào bác, trường hợp của bác chúng tôi xin tư vấn cho bác như sau:

Thứ nhất, về mức hưởng lương hưu.

Căn cứ Điều 49 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí bao gồm:

"1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc."

Căn cứ Điều 50, Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và hướng dẫn tại Điều 26, Điều 27 Nghị định 152/2006/NĐ-CP, điều kiện được hưởng lương hưu là :

"Điều 26. Người lao động được hưởng lương hưu khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
3. Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
4. Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
"
hoặc:
" Điều 27. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động theo Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau: Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
2. Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
"

Như vậy, nếu đến cuối năm 2015 bác xin nghỉ hưu thì bác đang ở tuổi 55 (chưa đủ 55 tuổi) và đã đóng bảo hiểm xã hội liên tục được hơn 34 năm. Bác căn cứ vào quy định trên để biết được mình có thuộc đối tượng hưởng lưu hưu hay không.
Nếu bác thuộc đối tượng được hưởng lương hưu thì:

- Mức hưởng lương hưu hàng tháng:

"1. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 26 Nghị định này, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 31 Nghị định này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định này, mức lương hưu hằng tháng được tính theo quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Nghị định này thì mức lương hưu giảm đi 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.
"

Như vậy, bác căn cứ quy định trên và có thể tham khảo Khoản 3 Mục IV Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/2006/NĐ-CP để tính chính xác tỷ lệ % mức hưởng lương hưu của mình.

- Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu:

"1. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân các mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
b) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
c) Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian đó. Trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp chưa đủ 5 năm, thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
"

Vậy, nếu bác thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi nghỉ hưu. Nếu bác có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian (34 năm) trước khi nghỉ hưu.

Thứ hai, về việc nghỉ dôi dư theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về chính sách tinh giản biên chế.

Căn cứ Điều 2 Nghị định trên thì Nghị định này áp dụng với những đối tượng:

"1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã;

2. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật.

4. Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).

5. Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

6. Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội."

Và để được hưởng chế độ theo Nghị định này thì người lao động phải thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại, tổ chức lại nhân sự của cơ quan có thẩm quyền theo Điều 6 Nghị định này. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì bác có thể nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi nếu thuộc trường hợp sau:

"3. Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi."

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn