Thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở vào giấy chứng nhận (sổ đỏ)
1. Luật sư tư vấn pháp luật đất đai.
Hiện nay, trong quá trình sử dụng đất nhu cầu xây dựng nhà trên đất đang ngày càng tăng cao. Nhưng người sử dụng còn coi nhẹ, chủ quan việc đăng ký tài sản gắn liền với đất nên khi xảy ra các vấn đề như thừa kế, chuyển nhượng. tặng cho,.. thường tốn thời gian để chứng minh. Nhất là trong trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi người sử dụng mới xây nhà trên đất, trong trường hợp này người sử dụng thường không biết hoặc biết mà chủ quan đến vấn đề phải đi đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất. Vậy phải làm thể nào để được công nhận hợp pháp tài sản đó? Và thủ tục đăng ký như thế nào?
Nếu bạn cũng đang thắc mắc và gặp phải trường hợp như thế nàu thì hãy liên hệ với Luật Minh Gia, luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn trường hợp của bạn. Bên cạnh đó bạn có thê tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
2. Thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Câu hỏi tư vấn: Kính gửi công ty, tôi đã có giấy chủ quyền đất (sổ đỏ) do hai vợ chồng tôi đứng tên chủ quyền. Giấy chủ quyền đất được cấp năm 2006, trước đó vào năm 2003 tôi có xin và được cấp phép xây dựng nhà tại vị trí đất này để ở (công ty quản lý nhà thuộc quận Phú Nhuận xây). Và sau đó đã làm giấy hoàn công cho công trình nhà ở nhưng chưa làm giấy chủ quyền, nay vợ chồng tôi muốn làm giấy chủ quyền căn nhà này để làm giấy di chúc lại cho các con . Tôi xin Quý công ty tư vấn tôi phải làm những thủ tục nào, cần những loại giấy tờ gì và nơi nào nhận hồ sơ để cấp cho tôi. Mong nhận được tư vấn của Quý công ty và chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật đất đai năm 2013 quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, như sau:
"4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
…
d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
…”
Như vậy, trong trường hợp này bạn phải đi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liến với đất. Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản được tiến hành như sau:
Thứ nhất, hồ sơ đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có quy định, như sau:
“3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất; đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
b) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó theo quy định của pháp luật về xây dựng. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cùng với hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình.
c) Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
d) Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có);
e) Văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất.”
Như vậy, trong trường hợp này của bạn, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK;
- Giấy phép xây dựng nhà ở và giấy hoàn công xây dựng;
- Sơ đồ về nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ nhà ở phù hợp với hiện trạng;
- Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất đã cấp;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Thứ hai, thẩm quyền giải quyết:
Và căn cứ theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất. Vì thế, bộ hồ sơ trên bạn có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà ở hoặc bạn có thể nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có nhà ở.
Thứ ba, thời hạn giải quyết:
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/ NĐ-CP có quy định về thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, như sau:
"c. Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày;
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.”
Vậy, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ đến Luật Minh Gia chúng tôi để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất