Lò Thị Loan

Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đã nghỉ việc

Lao động nữ nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản không? Điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như thế nào? Thủ tục cần thiết để được hưởng chế độ này theo pháp luật hiện hành?

Câu hỏi: Kính chào quý công ty. Em có vấn đề sau muốn hỏi quý công ty, mong được các luật sư giúp đỡ: Em tham gia đóng BHXH từ tháng 9/2013. Hiện em đang mang thai, dự sinh là tháng 10/2015. Em muốn báo giảm và chốt sổ BHXH, chấm dứt hợp đồng lao động luôn vào tháng 9/2015 thì em có được hưởng chế độ thai sản không? Thủ tục cụ thể như thế nào? Mong sớm nhận được hồi âm của công ty. Em xin cảm ơn ạ.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau

Thứ nhất, về điều kiện được hưởng chế độ thai sản. Căn cứ Điều 27 và Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản đối với người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

Một là, đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này. Cụ thể:

"1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên

b) Cán bộ, công chức, viên chức

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;"

Hai là, người lao động đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

"1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây;

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi."

Đồng thời căn cứ Điều 14 Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội năm 2006:

"1. Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

2. Trường hợp người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 31, 32, 34 và khoản 1 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội."

Trường hợp của bạn, bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2015 và dự sinh vào tháng 10/2015 thì bạn đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 9/2015 thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo Điều 31, Điều 32, Điều 34 và khoản 1 Điều 35 (tức là chế độ thai sản giành cho lao động nữ sinh con). Bên cạnh đó trong thời gian mang thai bạn cũng được hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai được quy định tại các Điều 29, Điều 30, Điều 37 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Thứ hai, về thủ tục báo giảm và chốt sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục hưởng chế độ thai sản:

Một là, thủ tục báo giảm và chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Căn cứ Điều 19 Quyết định 1111/QĐ-BHXH thì người lao động phải nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi doanh nghiệp bạn làm việc đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:

"a) Bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thuyên chuyển, nghỉ việc hưởng chế độ hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc vừa hết thời hạn.

b) Sổ BHXH.

c) Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng (trừ trường hợp chết)."

Doanh nghiệp nơi bạn làm việc có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm cho bạn theo Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012:

"2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động."

Hai là, thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Căn cứ Điều 117 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006:

"1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112 và Điều 113 của Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 112, 113 và 116 của Luật này.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."

Trong đó, hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi của người lao động không còn quan hệ lao động gồm có:

"a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng tử trong trường hợp sau khi sinh mà con chết; nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật."

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169