Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về xử lý kỷ luật sa thải khi người lao động có hành vi cố ý gây thương tích

Hình thức kỷ luật sa thải là việc người sử dụng lao động tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi người lao động vi phạm nội quy, quy định pháp luật. Đây là hình thức kỷ luật nặng nhất trong số các hình thức xử lý kỷ luật.

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư, Tôi công tác ở siêu thi X, trong tháng 1 vừa qua do bị lăng mạ trước đám đông tại siêu thị, không kìm chế được cảm xúc nên tôi có tác tay người này làm cho môi họ đụng răng dập môi. Kết quả là họ đi thưa tôi tới công an xã và liên hiệp X nên tôi bị thôi việc. Xin hỏi như vậy có đúng không, việc làm của tôi có bị xử lý buộc thôi việc không và quy định thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc ở siêu thị X và do bị lăng mạ trước đám đông nên bạn tác động vật lý làm một người làm họ đụng răng dập môi và họ báo công an xã và liên hiệp X. Căn cứ theo quy định pháp luật, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

- Về xử phạt hành vi vi phạm hành chính: Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống cháy,  chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao lực gia đình

- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nếu hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134.

Thứ hai, về hành vi sa thải của siêu thị X

Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2019 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau:

“Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;”

….

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật lao động 2019 cũng quy định:

 

“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

…c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

…”

 

Căn cứ theo quy định trên, người sử dụng lao động có quyền sa thải khi người lao động có hành vi cố ý gây thương tích theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi vụ việc cố ý gây thương tích đang được cơ quan công an điều tra, xác minh thì người sử dụng lao động không được phép ra quyết định xử lý kỷ luật với bạn trong thời gian chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm. Như vậy hành vi sa thải của siêu thị khi đang chờ kết luận điều tra chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Sau khi có kết luận điều tra, nếu bạn bị kết luận có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác thì siêu thị X hoàn toàn có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn. Khi xử lý kỷ luật, phải có mặt của người sử dụng lao động, người lao động và sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Việc xử lý kỷ luật phải được lập thành văn bản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169