Hoàng Thị Kim Lý

Hỏi về việc công ty trừ lương người lao động sau khi nghỉ việc

Luật sư tư vấn: Tôi có thắc mắc muốn hỏi về việc công ty trừ lương sau khi nhân viên nghỉ việc (báo trước không đủ 30 ngày nhưng vẫn có quyết định nghỉ việc). Có thể kiện công ty trong trường hợp này không?

 

Xin chào luật sư, Tôi có thắc mắc muốn hỏi về việc công ty trừ lương sau khi nhân viên nghỉ việc (báo trước không đủ 30 ngày nhưng vẫn có quyết định nghỉ việc). Cụ thể như sau: Tôi ký hợp đồng lao động 1 năm với công ty X do Tổng giám đốc (TGD) ký. Sau đó, tôi được công ty X cử đi công tác (Giám đốc điều hành ra quyết định cử đi công tác- chỉ có chữ ký, không có mộc tròn công ty) học phần mềm về để đào tạo lại cho nhân viên chi nhánh. Trước khi đi công tác tôi không ký bất kỳ cam kết ở lại làm việc hay đào tạo với công ty. Tôi có quyết định cử đi công tác nhưng không đóng dấu( chỉ có chữ ký của giám đốc điều hành (GDDH) thời điểm đó, hiện đã nghỉ việc).Sau khi công tác về, tôi đợi gần 20 ngày không thấy phần mềm được triển khai vì nghe sếp nói phần mềm lỗi chưa triển khai được cho chi nhánh. Công ty phần mềm phụ trách triển khai. Tôi chỉ học các tính năng thao tác cho từng bộ phận. Cấu hình triển khai sẽ do công ty phần mềm làm. (Tới hiện tại vẫn chưa triển khai phần mềm cho chi nhánh)Sau đó khoảng 1 tuần tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Tôi đã có biên bản bàn giao cho bạn IT mới vào chi nhánh (trưởng phòng nhân sự tuyển dụng vì muốn giải quyết sớm cho tôi nghỉ. Tôi nộp đơn xin nghỉ khoảng 27/12/2017 và chính thức nghỉ từ 11/01. Tôi đã có biên bản bàn giao cho IT mới ở chi nhánh mọi thứ, kể cả tài liệu hdsd và video, do tôi quay khi đi công tác, thao tác của các phòng ban trên phần mềm đó).Sau đó, GDDH đã ra quyết định nghỉ việc cho tôi. Tuy nhiên, TGD lại nói kế toán trưởng và trưởng phòng nhân sự (tpns) qua phòng và truyền đạt miệng rằng tôi đi công tác về xong nghỉ gây thiệt hại cho công ty. Lúc đó tôi không hiểu luật nên đành chấp nhận bị trừ lương mà không ý kiến gì. Tpns và kế toán trưởng cũng nói với tôi là công ty làm vậy là sai luật. Sau khi tìm hiểu luật lao động về trường hợp của tôi thì tôi biết TGD làm vậy là sai luật. Tôi có bằng chứng là biên bản bàn giao tài sản cho IT mới ở chi nhánh, quyết định nghỉ việc do GDDH ký (hiện đã nghỉ). Vậy tôi xin hỏi có thể kiện công ty X về việc trừ lương của tôi hay không? Và xin hỏi thủ tục như thế nào và kiện tới cơ quan nào? Xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 101 và Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

 

"Điều 101. Khấu trừ tiền lương

 

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

 

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập."

 

"Điều 130. Bồi thường thiệt hại

 

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường."

 

Như vậy, theo thông tin bạn đưa ra: bạn có chứng cứ là biên bản bàn giao tài sản cho IT mới ở chi nhánh và quyết định nghỉ việc do giám đốc điều hành (GĐĐH) ký. Tại thời điểm bạn nộp đơn nghỉ việc, công ty không có thông báo gì về việc bạn có làm hư hỏng hay gây thiệt hại tài sản cho công ty, sau khi GĐĐH đưa ra Quyết định thôi việc đã trừ lương của bạn. Do đó căn cứ quy định trên, hành vi trừ lương người lao động của GĐĐH để bồi thường thiệt hại là trái với quy định của pháp luật. Lúc này, bạn có thể làm đơn kiến nghị yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trường hợp công ty không thực hiện, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới Chánh Thanh tra Sở Lao động-thương binh và xã hội yêu cầu giải quyết, căn cứ Điều 15 Nghị định số 119/2014/NĐ-CP quy định:

 

"Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động

 

1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại.

 

2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết."

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo