Trần Phương Hà

Hỏi về việc bồi thường chi phí đào tạo nghề khi tự ý nghỉ việc

Công ty chúng tôi cử cán bộ công nhân viên (CBCNV) đi đào tạo tại nước ngoài, tuy nhiên không có hóa đơn chứng từ về chi phí đào tạo (do hợp đồng EPC, hóa đơn chứng từ được lưu tại nhà thầu EPC). Hai bên có ghi cam kết riêng về việc CBCNV phải làm việc tại Công ty 5 năm, nếu tự ý bỏ việc trước 5 năm phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

 

Tuy nhiên trong cam kết không ghi rõ các nội dung theo quy định của Hợp đồng đào tạo. Hiện tại CBCNV tự ý nghỉ việc, xin hỏi Công ty tôi có thể khởi kiện để yêu cầu CBCNV bồi hoàn chi phí đào tạo hay không? Thủ tục khởi kiện thế nào mong luật sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn luật sư.

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 
Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Theo đó Điều 62 Luật này quy định như sau:

“Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”

 

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, hai bên đã có cam kết riêng về việc CBCNV phải làm việc tại công ty 5 năm. Tuy nhiên, bản cam kết thiếu các nội dung của một bản Hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này. Do vậy, Công ty bạn không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu nhân viên bồi thường chi phí đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, bản Cam kết ấy lại quy định rằng  nếu CBCNV tự ý bỏ việc trước 5 năm phải bồi hoàn chi phí đào tạo, cam kết này là sự thỏa thuận ý chí giữa 2 bên, tức là CBCNV đã nhất trí khi ký cam kết thì phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định trong cam kết.

 

Do vậy, trên thực tế, Công ty bạn có thể dung bản cam kết ấy làm cơ sở để khởi kiện yêu cầu đòi bồi hoàn chi phí đào tạo tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty đăng ký kinh doanh.

 

Trân trọng!
Luật gia: Việt Hà – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo