Nguyễn Thu Trang

Hỏi về vấn đề tố cáo người cho vay nặng lãi?

Giao dịch vay tài sản thường xuyên xảy ra trong thực tế cuộc sống hằng ngày kéo theo việc tranh chấp hợp đồng vay cũng ngày một diễn ra phổ biến. Có không ít trường hợp cho vay nặng lãi dẫn đến việc người vay không còn khả năng để trả.

Khi gặp phải trường hợp cho vay nặng lãi, nhiều người không biết cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, mức lãi suất sẽ được áp dụng như thế nào cũng là một vấn đề cần lưu ý.

Có rất nhiều trường hợp, vì chậm trả lãi hoặc do lãi suất quá cao dẫn đến không thể trả được cả khoản vay lẫn lãi suất, sau đó có hành vi bỏ trốn, hoặc gian dối dẫn đến việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vậy, nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải trường hợp trên, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn hãy gọi cho Luật Minh Gia theo số điện thoại tổng đài trực tuyến 1900.6169 để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn kịp thời và cung cấp, tư vấn phương hướng giải quyết cho bạn.

Câu hỏi tư vấn:  Em là 1 du học sinh Nhật Bản. Tháng 6 năm 2018 em có vay một anh quê Hải Phòng cũng là du học sinh. Khoản vay là 50 man tương đương 100 triệu đồng. Với lãi suất 10.000đ/1 triệu/ngày. Nay lãi mẹ đẻ lãi con, em phải vay thêm để trả lãi hàng tháng, giờ khoản nợ đã lên gần 600 triệu. Em muốn hỏi như thế có phải là phạm pháp không? Và có thể tố cáo không? Giờ người ta đang đe doạ người nhà em. Và sử dụng bạo lực với người yêu của em bên này. Em không trả được lãi nên đã trốn đi. Mong luật sư có thể giúp em quy định pháp luật trường hợp này thế nào? Em xin cảm ơn ạ.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của bạn, Luật Minh Gia trả lời như sau:

Do bạn không nói rõ địa điểm diễn ra việc vay tiền và thỏa thuận giữa hai bạn về vấn đề áp dụng pháp luật Việt Nam hay Nhật Bản trong việc xử lý tranh chấp nên với yêu cầu của bạn, chúng tôi chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Bạn vay tiền tại Nhật Bản và thỏa thuận áp dụng pháp luật Nhật Bản đối với việc vay tiền

Với trường hợp này, bạn cần tìm hiểu pháp luật Nhật Bản quy định thế nào về vấn đề cho vay tiền, mức lãi suất và có đủ điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có, bạn sẽ tố cáo người cho vay ra cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản và sẽ xử lý theo pháp luật Nhật Bản. Ngoài ra, với hành vi sử dụng bảo lực với người yêu bạn ở Nhật Bản, bạn cũng có thể tố cáo về hành vi này.

Trường hợp 2: Bạn vay tiền (có thể tại Việt Nam hoặc Nhật Bản) nhưng không thỏa thuận về việc lựa chọn hệ thống pháp luật điều chỉnh

Với trường hợp này, theo quy định tại điều 663 và điều 664 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật áp dụng có thể là pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, lãi suất vay được quy định như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Với quy định trên, lãi suất tối đa là 20%/năm, nghĩa là khoảng 1,67%/tháng. Lãi suất bạn phải trả khi vay là 30 triệu đồng/tháng, tương đương với lãi suất 30%/tháng. Cao gấp 17,96 lần so với lãi suất vay tối đa quy định trong Bộ luật dân sự. Khi đó, người cho bạn vay vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về mức lãi suất, quy định như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Khoản 1 Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

“Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.”.

Như vậy, nếu như công dân Việt Nam phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tội đã thực hiện được quy định trong Bộ luật hình sự. Đối chiếu với quy định trên, người cho bạn vay tiền có cấu thành vi phạm của tội cho vay nặng lãi quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam. Do đó, bạn có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan công an cấp huyện nơi người cho vay tiền đang cư trú hoặc của cơ quan công an cấp huyện nơi diễn ra giao dịch vay tiền tại Việt Nam.

Với hành vi bỏ trốn của bạn nhằm mục đích không thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay, nếu bên cho vay tố cáo, bạn có thể bị khởi tố theo điều 175 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Khi bạn có hành vi gian dối, bỏ trốn hoặc có điều kiện nhưng không trả lại tiền cho bên cho vay thì bạn có thể bị khởi tố về hành vi này.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169