Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về trường hợp trộm cắp xe máy xử lý thế nào?

Cập nhật thông tin hỏi tư vấn về trường hợp trộm cắp tài sản chiếc xe gắn máy trị giá 28 triệu đồng bị xử lý thế nào? tư vấn các quy định pháp luật liên quan, cụ thể như sau:

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính chào Luật sư công ty Luật Minh Gia! Cháu tôi trộm cắp tài sản chiếc xe gắn máy trị giá 28 triệu đồng, độc thân, ông ngoại có công với nước, không có tiền án tiền sự, vi phạm lần đầu, thành thật khai báo, khắc phục hậu quả trả chiếc xe lại cho bị hại, người bị hại làm đơn bãi nại xin cho cháu tôi được hưởng án treo. Trong quá trình xét xử sơ thẩm viện kiểm sát nhân dân dựa vào những tình tiết nói trên đề nghị cho cháu tôi được hưởng treo từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng chủ tọa phiên tòa luận tội 1 năm tù ở. Hiện cháu tôi làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm, gia đình đang bối rối không biết phải làm sao. Xin Luật sư cho biết bây giờ gia đình phải làm sao? Xin cảm ơn!

 

Người gửi: Họ tên: Lê V P; Email: ...lecm@gmail.com; Điện thoại: 093912...

Tiêu đề: Hỏi tư vấn về trường hợp trộm cắp xe máy, xử lý thế nào

 

Lưu ý: Để đảm bảo quyền riêng tư cho người đề nghị tư vấn, chúng tôi đã thay đổi thông tin cá nhân trong nội dung câu hỏi:

 

Hỏi về trường hợp trộm cắp xe máy xử lý thế nào?
Luật sư tư vấn trường hợp trộm cắp tài sản là xe máy
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 như sau:

 

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

 

1.92 Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

 

Trường hợp của gia đình bạn, khi Tòa án sơ thẩm ra bản án áp dụng khung hình phạt 1 năm tù đối với hành vi trộm cắp tài sản với cháu bạn. Nếu gia đình cho rằng mức phạt này là quá cao so với tính chất nguy hiểm của hành vi do anh này thực hiện thì có thể làm đơn kháng cáo gửi đển Tòa án để thực hiện xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

 

Nếu như gia đình bạn đã làm đơn kháng cáo thì tòa phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, tòa án sẽ phải mở phiên tòa giải quyết.Chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên tòa, tòa phúc thẩm sẽ thông báo đến những người tham gia tố tụng về thời gian và địa điểm xét xử.



Điều 346. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

 

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

 

2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

 

a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;

 

b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

 

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

 

4. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

 

Về việc yêu cầu Tòa cho người này được hưởng án treo, chỉ có căn cứ nếu cháu bạn có đủ những điều kiện để xem xét hưởng án treo theo quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP như sau:

 

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

 

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

 

2. Có nhân thân tốt.

 

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

 

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

 

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

 

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

 

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

 

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

 

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

 

Trân trọng.

P. Luật sư tranh tụng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo