Hỏi về trường hợp công ty sử dụng lao động nhưng không giao kết hợp đồng
Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi đã làm việc cho công ty được hơn 01 năm nhưng công ty không ký hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi, ngoài ra công ty có có hành vi ép buộc tôi làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, đồng thời công ty không chi trả tiền lương làm thêm giờ theo đúng quy định pháp luật. Vậy Luật sư cho tôi hỏi công ty làm như vậy có đúng quy định pháp luật không, tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình! Mong Luật sư tư vấn cụ thể cho tôi!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm giao kết hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 như sau:
“2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”.
Về hình thức hợp đồng lao động, tại Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
"Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Hợp đồng lao động được lập thành văn bản ghi nhận thỏa thuận các bên về thời gian làm việc, công việc, trả lương. Mỗi bên giữ 1 bản hợp đồng mà các bên đã ký kết. Trường hợp thời hạn hợp đồng lao động dưới 1 tháng thì không cần phải theo hình thức văn bản mà có thể bằng lời nói.".
Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi bạn làm việc tại công ty từ 01 tháng trở lên thì phía công ty phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động với bạn bằng văn bản, nếu bạn đã làm việc được hơn 01 năm mà công ty chưa ký hợp đồng lao động với bạn thì có căn cứ xác định công ty vi phạm quy định liên quan đến vấn đề giao kết hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, do vậy nếu công ty không tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn được xác định là vi phạm quy định pháp luật bảo hiểm.
Bạn có thể khiếu nại đến Phòng lao động thương binh xã hội quận (huyện) để yêu cầu giải quyết. Với hành vi vi phạm không giao kết hợp đồng lao động thì công ty có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Hành vi công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn, công ty có thể bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH nhưng không quá 75 triệu đồng tại thời điểm phát hiện lập biên bản căn cứ Khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, đồng thời cơ quan bảo hiểm ra quyết định truy thu để công nhận quá trình đóng cho bạn và tính lãi chậm nộp.
Thứ hai, về làm thêm giờ và tiền lương làm thêm giờ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 thì thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Khi người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
- Phải được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động 2019.
Về tiền lương làm thêm giờ chi trả cho người lao động, tại Điều 98 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
"Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Như vậy, việc công ty yêu cầu bạn làm thêm giờ thì phải có sự đồng ý của bạn, đồng thời công ty phải có trách nhiệm chi trả tiền lương làm thêm giờ theo đúng quy định pháp luật nêu trên. Trường hợp công ty vi phạm, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công ty hoặc Phòng Lao động thương binh xã hội quận (huyện) nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Với hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 28/2020 NĐ-CP, hành vi không chi trả tiền lương làm thêm giờ theo đúng quy định pháp luật thì công ty sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất