Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về tố giác tội phạm giao cấu với trẻ vị thành niên

Tôi có một người em gái con của người cô, em gái này 15 tuổi tâm thần kinh không ổn định lại quen biết với một thanh niên 19 tuổi suốt ngày chơi bời lêu lổng, thân hình xăm trổ rồi còn hành hung và chém người khác. Vào khoảng 02 tháng trước không biết 02 đứa nhắn tin qua lại và điện thoại như thế nào không biết mà cả 02 cùng đi BD và theo suy đoán thì em gái đã có quan hệ tình dục với thanh niên này.

Nội dung yêu cầu:

Sau đó cha mẹ em gái đã tìm được và đưa trở về, giờ cha mẹ em gái muốn tố cáo người thanh niên kia (em gái không hợp tác vì nó dám chửi cha mẹ nhưng lại rất lễ phép với thanh niên kia) nhưng nghe nói bên công an địa phương nói (chỉ là nói miệng) ở địa phương không thụ lý được vì phải là chính quyền hay công an ở nơi mà người thanh niên giao cấu với em gái (tức là ngoài BD) mới thụ lý và giải quyết, như vậy nếu cha mẹ em gái nghèo không đi xa được thêm phần ít hiểu biết về pháp luật thì phải làm sao? Không lẽ để cho thanh niên kia nhởn nhơ cứ mỗi lần muốn quan hệ thì dụ dỗ em gái đi xa sao. Xin Luật sư cho biết muốn tố cáo thanh niên kia thì phải làm gì? Phía công an địa phương nói như vậy có đúng không? Văn bản nào quy định? Tôi sợ em gái tôi sẽ tiếp tục trốn theo thanh niên kia, xin Luật sư tư vấn giúp! Chân thành cảm ơn!
 

Trả lời:Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu, Công ty Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

 

Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

 

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

 

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

 

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

 

Như vậy, nếu có dấu hiệu tội phạm ở đây thì bạn có thể tố giác hành vi phạm tội của họ đến cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm được quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được hướng dẫn chi tiết tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:

 

“Điều 5. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

 

1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

 

a) Cơ quan điều tra;

 

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

 

c) Viện kiểm sát các cấp;

 

d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

 

2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

 

a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

 

b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.”

 

“Điều 6. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết kiến nghị khởi tố

 

1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình.

 

2. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận mọi kiến nghị khởi tố và chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

 

Viện kiểm sát giải quyết kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết kiến nghị khởi tố nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.”

 

Do đó, khi phát hiện có hành vi giao cấu về trẻ em, gia đình bạn có thể đến Công an nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gia đình bạn đang cư trú để tố giác hoặc gia đình bạn cũng có thể gửi đơn tố giác qua đường bưu điện đến cơ quan điều tra tại BD. Gia đình bạn không nhất thiết phải đến tận nơi người thanh niên kia cư trú để nộp đơn. Trường hợp tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

 

Sau khi tiếp nhận tin tố giác tội phạm, cơ quan tiếp nhận tố giác sẽ có trách nhiệm thông báo với cơ quan điều tra để giải quyết.

 

Trường hợp gia đình bạn đã gửi đơn tố giác tội phạm tới cơ quan công an nhưng cơ quan công an không tiếp nhận đơn với lý do gia đình bạn phải tố giác tại nơi cư trú của người phạm tội là trái quy định pháp luật. Do vậy, gia đình bạn cũng có thể gửi đơn khiếu nại quyết định này tới Thủ trưởng cơ quan điều tra đó để được giải quyết.

 

 

Trân trọng
C.V Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn