Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về Lập hội đồng xét kỷ luật khi xử lý kỷ luật lao động

Để xã hội duy trì được sự ổn định và phát triển, việc thiết lập kỷ luật, trật tự có vai trò quan trọng. Trong khi Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật để duy trì trật tự trong xã hội, thì trong doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng thiết lập kỷ luật nhằm đảm bảo ý thức chấp hành của người lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đó là kỷ luật lao động. Luật sư sẽ tư vấn rõ hơn về kỷ luật lao động.

1. Luật sư tư vấn về kỷ luật lao động.

Như đã nêu ở trên, mục đích của kỷ luật lao động chính là việc tạo ra sự răn đe cho người lao động thực hiện đúng các nguyên tắc mà người sử dụng lao động, điều này vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa mang lại tính hiệu quả cho quá trình hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tiến hành kỷ luật người lao động thì người sử dụng lao động phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định. Hiện nay, pháp luật đang ghi nhận các hình thức kỷ luật bao gồm: khiến trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải và mỗi hình thức kỷ luật sẽ được ứng với trường hợp cụ thể. Nếu bạn đang gặp khó khăn về vấn đề này, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc các vấn đề pháp lý như:

- Luật sư tư vấn về thành phần tham dự phiên họp kỷ luật lao động.

- Giải đáp thắc mắc về điều kiện áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

- Luật sư tư vấn quyền lợi của người lao động khi tạm đình chỉ công việc để xác minh vi phạm.

Bên cạnh đó, để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Hỏi về Lập hội đồng xét kỷ luật khi xử lý kỷ luật lao động

Nội dung đề nghị tư vấn: Tôi là viên chức thuộc Phòng TCCB của Bệnh viện đa khoa tỉnh, hiện tại cơ quan tôi có 1 trường hợp làm Hộ lý đã tự ý nghỉ việc không có lý do từ ngày 21/10/2013 đến nay không đi làm. Tôi biết theo quy dịnh trường hợp này đã rơi vào khung kỷ luật là buộc thôi việc. Nhưng tôi thắc mắc là cơ quan có cần thiết phải thành lập hội đồng xét kỷ luật hay không? Hay chúng tôi chỉ cần làm thông báo về việc tự ý nghỉ việc coi như đã cho thôi việc trường hợp đó. Xin Luật sư tư vấn giúp ạ. Xin cảm ơn nhiều.

Trả lời: Chào anh (chị), cảm ơn anh (chị) đã gửi câu hỏi đến công ty luật Minh Gia chúng tôi. Với trường hợp trên thì chúng tôi hướng dẫn giải quyết như sau:

- Căn cứ theo điểm b – khoản 1 – Điều 123 – Bộ luật Lao động 2012 thì:

Nguyên tắc của việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

“Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”

- Ngoài ra theo mục 2 – phần IV – Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH thì trình tự, thủ tục xét kỷ luật đối với người lao động như sau:

a) Hồ sơ xử lý kỷ luật lao động bao gồm:

Bản tường trình của người lao động được nộp cho người sử dụng lao động tối đa 05 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày người sử dụng lao động yêu cầu (Mẫu số 6 kèm theo Thông tư này).

Các tài liệu có liên quan như:

Biên bản sự việc xảy ra.

Đơn tố cáo, chứng từ hóa đơn và các tài liệu khác (nếu có).

Hồ sơ được bổ sung thêm trong các trường hợp sau:

Trường hợp bị tạm giam, tạm giữ văn bản của cơ quan có thẩm quyền bắt tạm giam, tạm giữ; văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền khi hết thời hạn tạm giam, tạm giữ.

Trường hợp đương sự vắng mặt văn bản thông báo ba lần (Mẫu số 7 kèm theo Thông tư này).

Trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng: giấy tờ được coi là có lý do chính đáng;

b) Khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động phải lập thành biên bản (Mẫu số 8 kèm theo Thông tư này);

c) Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động:

Nhân sự gồm có:

Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền là người chủ trì.

Người đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong đơn vị.

Đương sự (trừ trường hợp đang thi hành án tù giam).

Cha, mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp nếu đương sự là người dưới 15 tuổi.

Người làm chứng (nếu có).

Người bào chữa cho đương sự (nếu có).

Những người khác do người sử dụng lao động quyết định (nếu có).

Người chủ trì tuyên bố lý do và giới thiệu nhân sự.

Nội dung phiên họp gồm có:

Đương sự trình bày bản tường trình diễn biến sự việc xảy ra. Trường hợp không có bản tường trình của người lao động thì người chủ trì trình bày biên bản xảy ra hoặc phát hiện sự việc (ghi rõ lý do không có bản tường trình).

Người chủ trì trình bày hồ sơ xử lý kỷ luật.

Người làm chứng trình bày (nếu có).

Người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật được cụ thể hóa trong nội quy lao động.

Người đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong đơn vị, đương sự, người bào chữa cho đương sự (nếu có) nhận xét về nội dung mà người chủ trì chứng minh lỗi của người lao động và xác định hành vi vi phạm ứng với hình thức kỷ luật lao động đúng hay sai theo quy định của pháp luật, nội quy lao động.

Kết luận của người chủ trì về hành vi vi phạm kỷ luật ứng với hình thức kỷ luật lao động.

Thông qua và ký biên bản.

Người sử dụng lao động ký quyết định kỷ luật lao động (Mẫu số 9 kèm theo Thông tư này), nếu tạm đình chỉ công việc (Mẫu số 10 kèm theo Thông tư này);

d) Hồ sơ được lưu tại đơn vị.

Như vậy đối với trường hợp của anh (chị) đã nêu thì việc thành lập hội đồng xét  kỷ luật để sa thải nhân viên kia là việc bắt buộc phải thực hiện.

-------------

Câu hỏi thứ 2: Có được yêu cầu bồi thường khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng?

Câu hỏi: Dear luatsu,  Ngày 15/10/2017 tôi chính thức làm việc tại công ty.  Sau 1 tháng làm việc, bên phía công ty tôi yêu cầu tôi nghỉ việc sau 2 ngày vì lý do là tôi không đáp ứng được công việc và trong tương lai công ty bên họ không cần xây dựng phòng marketing online nữa. Nhưng không có giấy tờ gì cả chỉ có 1 cuộc gọi từ giám đốc và đoạn nhắn tin zalo là bên công ty không cần vị trí của tôi nữa và yêu cầu tôi bàn giao lại toàn bộ thông tin bảo mật, chuyển toàn bộ dữ liệu về email. Sau khi cho tôi nghỉ việc họ có trả tôi là 15.000.000đ của tháng 11/2017 được trả vào ngày 17/12/2017 thay vì 20.000.000đ như theo hợp đồng. Họ chuyển 5.000.000đ của tôi sang tháng 12/2017 vì lý do ban quản trị nói Sếp của tôi và tôi không hoàn thành công việc được giao.  Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể yêu cầu bên công ty bồi thường hợp đồng của tôi hay không.  Sáng nay tôi gọi lên công ty họ nói, đã có lương tháng 12/2017 với số tiền là 5.000.000đ , nhưng không thấy họ bồi thường hay giấy tờ gì cả.  Mong luật sư xem xét cho tôi.Trân Trọng Cảm Ơn!

Trả lời: 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động. Cụ thể:

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Như vậy, trong trường hợp  doanh nghiệp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với bạn mà không thuộc một trong các trường hợp trên thì được xác định công ty đang đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định pháp luật. Với hành vi vi phạm trên thì trách nhiệm bồi thường sẽ bao gồm:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì công ty chỉ thông báo cho bạn qua điện thoại và zalo xác nhận nên để đảm bảo thì bạn sẽ làm đơn yêu cầu cung cấp quyết định nghỉ việc, sau khi có quyết định thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh và xã hội hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, buộc công ty phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169