Hỏi đáp về cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì tôi có người bạn có nói chuyện với tôi góp vốn mở xưởng rút sắt và người đó nói với tôi có chung với một anh khác nữa, anh ta có đất để mở xưởng có nói với tôi hai người chung mở xưởng đó hết 10 tỷ đồng. Bạn tôi nói với tôi chưa dồn tiền về được để mua sắt dựng xưởng bạn tôi biết tôi có tiền và có nói với tôi là đưa tiền góp vốn vào sau này xưởng hoạt động có lợi nhuận sẽ chia theo % số tiền tôi góp. Tôi có nói số tiền này tôi để trả ngân hàng và cả hai vợ chồng bạn tôi có nói lúc nào cần thì báo trước 1 tháng. Hai vợ chồng tôi trả hết thời gian thấm thoát đã 8 tháng tôi thấy bạn tôi không nói gì về xưởng hoạt động tôi mới vào nhà báo đến cuối năm tôi cần tiền trả vào ngân hàng cả hai vợ chồng lúc đấy mới nói với tôi xưởng chưa làm được, đến cuối năm thì tôi vào nhà lấy tiền thì cả hai vợ chồng đều bảo xưởng không hoạt động được và không có tiền trả cho tôi cứ nói dối quanh và thách đố muốn làm gì thì làm. Cho lên tôi gửi thư nhờ luật Minh Gia tư vấn cho tôi được biết, nếu tôi có gửi đơn thư thì gửi đến đâu. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi.
Theo thông tin bạn cung cấp thì anh có góp vốn mở xưởng với một người bạn, có thỏa thuận với nhau lợi nhuận sẽ chia theo vốn góp. Qua 8 tháng xưởng không hoạt động và anh có yêu cầu người bạn trả lại số tiền đã góp, tuy nhiên họ lại không thực hiện trả lại số tiền trên.
Thứ nhất, hành vi như thế nào cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
" Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;...”
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.
Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
Khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác.
Chủ thể là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người bạn của anh có phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần xem xét có dấu hiệu “gian dối” hay không. Nếu có căn cứ chứng minh rằng người vay tiền bạn lừa dối khiến anh tin tưởng và cho vay tiền và có ý định chiếm đoạt khoản tiền vay này thì cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, bạn có thể gửi đơn đến đâu để giải quyết đối với vụ việc trên?
Trong trường hợp, người bạn của anh đầy đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( như phân tích ở trên) hoặc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (tham khảo https://luatminhgia.com.vn/phan-tich-ve-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san.aspx ). Anh có thể gửi đơn tố giác hoặc trực tiếp đến cơ quan điều tra; viện kiểm sát; tòa án hoặc nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi người có hành vi vi phạm cư trú để tố giác về hành vi này.
Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm, anh có thể gửi đơn khởi kiện về việc đòi lại tài sản đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết.
Trân trọng !
CV Phan Huyền – Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất