Hoàng Tuấn Anh

Hỏi đáp trợ cấp thôi việc đối với viên chức luân chuyển?

Tôi có trường hợp này xin Công ty Luật Minh Gia làm rõ như sau: Một viên chức đang làm việc ở một đơn vị sự nghiệp công lập có thu (Ban Quản lý dự án) được điều động luân chuyển đến một đơn vị sự nghiệp công lập có thu khác theo Quyết định của Ủy ban nhân dân Huyện.


Như vậy, theo quy định của Luật Lao động: Người sử dụng lao động (tức người đứng đầu cơ quan đơn vị) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động mỗi năm bằng nữa tháng lương (trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp). Tuy nhiên, người sử dụng lao động không chi trả trợ cấp thôi việc cho trường hợp nêu trên với lý do:

- Do không có Quyết định của Ủy ban nhân dân Huyện về số tiền chi trả trợ cấp thôi việc nêu trên;
- Do viên chức đó được điều động luân chuyển sang đơn vị khác chứ không phải do chấm dứt hợp đồng lao động;
- Nếu chi trả trợ cấp thôi việc như nêu ở trên thì xem như người lao động đã hưởng trợ cấp một lần và xem như là nghỉ việc, qua đơn vị mới xem như làm lại mới từ đầu và không còn được hưởng chế độ gì khác.

Để bảo vệ Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, theo Tôi cả ba trường hợp suy nghĩ như nêu trên là sai bởi lý do sau:

1. Theo Luật Lao động khi “chấm dứt” hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động (tức người đứng đầu cơ quan) có trách nhiệm phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động mà không phải đòi hỏi phải có Quyết định của UBND Huyện về số tiền chi trả trợ cấp thôi việc. Thủ trưởng cơ quan đơn vị ra Quyết định chi trả trợ cấp thôi việc là được.
2. Trong Luật nêu là “chấm dứt” hợp đồng lao động, điều này được hiểu là không còn làm việc ở cơ quan đơn vị nữa (trường hợp nghỉ việc hợp pháp, đúng quy định) thì đương nhiên được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo Luật Lao động. Việc điều động, luân chuyển cán bộ của cấp trên cũng làm cho người lao động không còn làm việc ở đơn vị củ (chấm dứt hợp pháp) nên hợp đồng ở đơn vị củ cũng phải được chấm dứt và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc bình thường.
3. Việc chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động không phải là trường hợp trợ cấp nghỉ việc giải quyết chế độ chính sách một lần, qua đơn vị mới không còn được hưởng chế độ nữa phải tính lại từ đầu. Việc trợ cấp thôi việc mỗi năm bằng nữa tháng lương làm việc đối với người lao động trong các đơn vị doanh nghiệp, sự nghiệp có thu thể hiện sự chia sẽ một phần lợi nhuận (nguồn thu) của đơn vị mà quá trình người lao động làm việc đã đóng góp công sức cho đơn vị. Ngoài chế độ trợ cấp thôi việc, người lao động còn được hưởng các chế độ chính sách nhà nước khác do Bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.

Từ các ý kiến nhận định trên, theo Công ty Luật Minh Gia trường hợp cụ thể nêu trên theo quy định pháp luật thì:

1. Với lý do của người sử dụng lao động nêu trên có đúng không ?
2. Nếu người lao động trên làm việc ở một đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước thì có được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc không ?
3. Việc chi trả trợ cấp thôi việc căn cứ theo Luật Lao động; Luật Viên chức; Luật Công chức hay quy định nào khác của Pháp luật ?. Việc trợ cấp thôi việc được thực hiện trước khi có Luật Lao động (2012) là khi nào ?.

Rất mong Công ty Luật Minh Gia nhiệt tình giúp đỡ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những quy định của Pháp luật đối với chính sách cho người lao động. Xin chân thành cảm ơn !.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Lý do mà người sử dụng đưa ra có đúng không? Nếu người lao động trên làm việc ở một đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước thì có được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc không ?

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Viên Chức năm 2010 về thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc:

“…4. Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật…”

Như vậy, khi viên chức chuyển công tác (điều động) đến đơn vị khác thì đơn vị hiện tại sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết các chế độ tương ứng. Theo đó, Điều 45 Luật Viên chức về chế độ thôi việc, như sau:

“1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…”

Khi viên chức được điểu động hay nói cách khác là chuyển công tác đến đơn vị khác thì đơn vị cũ có trách nhiệm giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức đó theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người lao động làm việc cho đơn vị hành chính sự nghiệp Nhà nước thì vẫn được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Do đó, việc người sử dụng lao động đưa ra các lý do nêu trên để không phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động là trái với quy định của Luật viên chức năm 2010.

2. Việc trả trợ cấp thôi việc căn cứ theo quy định của Luật nào?

Luật Viên Chức năm 2010 quy định nếu viên chức được điều chuyển sang làm việc tại một đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng với đơn vị đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lao hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Trong trường hợp này, hai bên đã có sự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 về trợ cấp thôi viêc như sau:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”

Như vậy, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật Viên Chức năm 2010 và Bộ luật lao động năm 2012.

3. Việc trả trợ cấp thôi việc trước khi Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực?

Trường hợp hợp đồng lao động  chấm dứt đúng quy định của pháp luật trước thời điểm Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động  năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và 2007) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1995.

Theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 1994 và Điều 15 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, 2 bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt thì việc thực hiện thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, khi người lao động thôi việc tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp và người lao động không thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán trợ cấp thôi việc trong thời hạn nêu trên là trái với quy định của pháp luật về lao động.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi đáp trợ cấp thôi việc đối với viên chức luân chuyển?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Hứa Lâm - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo