Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về việc đòi lại quyền sử dụng đất khi có người sử dụng đất mà không xin phép

Luật sư tư vấn về vấn đề được giao đất nhưng sau đó không sử dụng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có người không xin phép nhưng đã sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp từ năm 2007 thì hiện nay phải làm như thế nào để đòi lại?

 

Nội dung câu hỏi: Vào năm 1997 UBND xã có cấp cho gia đình một thửa ruộng lúa với diện tích 1372 mét vuông (Ba đứng tên). Trong thời gian này gia đình làm lúa. Đến năm 2002 Ba em mất nên việc làm lúa tạm dừng, anh, chị trong gia đình làm nghề riêng của mình. Bốn năm sau 2006 thửa ruộng được làm giấy lại (mẹ đứng tên), cũng thời gian này mẹ em chia cho mỗi người một ít và thửa này thuộc phần của em (chưa sang tên cho em). Nhưng em cũng không làm, sang đến năm 2007 chẳng hiểu vì lý do gì mà ông N tự ý làm lúa trên thửa ruộng của gia đình em, hơn thế hai năm sau 2009 xuống trụ để trồng thanh long cho đến nay.(thông tin từ ngày hòa giải thứ hai), ngược về năm 2016 – 2017 em mới tìm hiểu mới biết ông N làm nên trao đổi với ông tại sao trồng mà không xin phép ai. Ông N bảo chẳng biết em ở đâu mà xin (khoản cách từ nhà em đến thửa ruộng hơn 15km) và có ý không trả lại ruộng cho gia đình em. Vào ngày 1/1/2018 em nộp đơn lên xã để giải quyết. Đến 8/1/2018 hòa giải lần thứ nhất không thành do ông N. Ngày 15/1/2018 hòa giải lần hai vẫn không thành (nhiều lý do không hợp lý: trả em 40 triệu cho 1372 mét vuông nên em không đồng ý).  Ngày 22/1/2018 (hôm nay) hòa giải lần ba, em đến nhưng không ai chủ trì và cũng không có ông N, chỉ có người đưa cho em mẫu đơn khởi kiện, không đưa cho em biên bản hòa giải không thành. Vậy trong trường hợp này rất mong tư vấn và chỉ cho em hướng tiếp theo để em có thể lấy lại phần ruộng của gia đình. 

 

Trả lời : Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định:

 

"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."


Theo quy định tại Khoản 4 Điều 102 Luật đất đai năm 2013, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã phải được lập thành biên bản. Trường hợp của bạn hòa giải được tiến hành đến lần thứ 2 không thành không lập biên bản hòa giải thì bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân lập biên bản hòa giải không thành. Nếu không được UBND không thực hiện đúng trình tự hòa giải cơ sở thi bạn có thể khiếu nại tới UBND huyện yêu cầu giải quyết.

 

Và Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định:

 

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

 

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

 

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

 

Mẹ bạn có quyền khởi kiện yêu cầu ông N trả lại diện tích đất đang tranh chấp. Sau khi đã hòa giải và có quyết định hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân xã có thể khởi kiện lên Tòa án huyện nơi có đất để được giải quyết. Để đòi lại đất mẹ bạn phải chứng minh được quyền sử dụng đất bằng các giấy tờ hợp pháp, xác nhận của các gia đình có quyền sử dụng đất lân cận và chính quyền địa phương về việc đã được giao đất hợp pháp và sử dụng đất ổn định, lâu dài từ thời điểm đó đến nay và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo