Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Chào Luật sư! Nhà em có mảnh ruộng có một vài đặc điểm như sau: 1) Mảnh ruộng nằm sát vườn nhà em nên mỗi mùa mưa đất vườn chảy ra ruộng nên đám ruộng có phần cao hơn so với các đám lân cận.

 

2) Đồng thời mảnh ruông nằm sát vành đai (đám ruộng nằm rìa cùng, cao hơn đám ruộng bên gần 1m) nên hay bị lỗ mọi và lậu nước, mặc dù gia đình em luôn luôn thăm dò và khắc phục nhưng vẫn rơi vào tình trạng mất nước, điều đó tạo điều kiện cho chuột phá hại nhiều hơn. 3) Mảnh ruộng nằm sát bụi tre của cô hàng xóm nên chuột trú ngụ sinh sống nhiều, thường hay ra lúa phá, gây thiệt hại về năng suất lúa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa cũng như giữ nước, hạn chế chuột gia đình em đã cho máy cải tạo đất. Mới đào 2 múc chưa kịp san bằng thì cán bộ thôn đến ngăn cản không cho hoạt động tiếp. Sau đó gia đình viết đơn xin cải tạo ruộng nhưng xã không cho cải tạo và yêu cầu gia đình em lấp và trả nguyên hiện trường ban đầu. Gia đình chấp nhận nhưng do trời mưa kéo dài, đất mềm nên xe không chịu xuống san bằng, đất bết dính lại với nhau không thể làm phổ thông được. Xã đòi phạt gia đình em. Cho em hỏi: Trường hợp cán bộ xã đòi phạt gia đình em là đúng hay sai? Trường hợp xã không cho gia đình em cải tạo ruộng có căn cứ hay không? Xã không cho cải tạo thì không thể tiếp tục trồng lúa do luôn luôn treo nước và mất năng suất. Trường hợp tre trồng sát mảnh ruộng nhà em là đúng hay sai? Gia đình em có quyền yêu cầu phá bỏ đám tre đó không? Rất mong được luật sư giải đáp. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

 

Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa như sau:

 

Điều 6. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa

 

1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

 

2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

...

6. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:

 

a) Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 5 của Nghị định này;

 

b) Áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại.”

 

Như bạn trình bày gia đình bạn có một mảnh ruộng trồng lúa nằm liền kề với vườn, mảnh vườn cao hơn mảnh ruộng gây ra nhiều khó khăn cho việc canh tác mảnh ruộng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa cũng như giữ nước gia đình bạn đã thực hiện san bằng đất.

 

Theo quy định trên của pháp luật thì trách nhiệm của gia đình bạn khi sử dụng đất trồng lúa là sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, không làm ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi hoặc việc sử dụng đất của người khác,… Do vậy, nếu mục đích việc bố của bạn san lại đất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc canh tác thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

 

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về biên bản và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có quy định người có thẩm quyền lập biên bản gồm:

 

Điều 34. Biên bản và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

2. Người có thẩm quyền lập biên bản gồm:

 

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại các Điều 31, 32 và 33 của Nghị định này;

 

b) Công chức, viên chức thuộc các cơ quan quy định tại các Điều 31, 32 và 33 của Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”

 

Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 

"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

 

a) Phạt cảnh cáo;

 

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

 

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

 

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

 

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

…”

Như vậy, trong trường hợp của bạn cán bộ xã mà cụ thể là Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì hành vi cho máy san bằng đất của gia đình bạn không trái với trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa nên việc xử phạt ở đây không đúng với quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh đó, việc nhà hàng xóm bạn trồng tre cạnh ruộng lúa gây ra hiện tượng chuột phá lúa không vi phạm quy định pháp luật đất đai. Về việc này, bạn nên trao đổi thỏa thuận trực tiếp với nhà hàng xóm để có cách giải quyết tốt nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo