LS Hoài My

Tranh chấp đất đai trong trường hợp xây mộ trên đất nhà khác

Đất ở nhà em ngày xưa chưa có sổ đỏ nhưng đã có 1 ngôi mộ ở đó. Nếu lúc đó gia đình có ngôi mộ đó muốn xây thành ngôi mộ có lát gạch đàng hoàng có được không? Nếu lúc đó nhà em tranh chấp đất có bị vi phạm pháp luật không? Bây giờ đất đó đã thuộc sở hữu của nhà em và đất đã được cấp sổ đỏ, vài ngày trước gia đình có ngôi mộ từ xưa đó muốn xây ngôi mộ thành ngôi mộ to hơn nhưng bây giờ thì đất đó đã thuộc sở hữu của nhà em và nhà em cũng đã được cấp sổ đỏ cho mảnh đất đấy.


Em xin hỏi gia đình có mộ kia có được phép xây dựng trên mảnh đất nữa không? Nếu được xây thì căn cứ vào những gì để có thể xây dựng, còn không thì cũng căn cứ vào đâu để không cho xây dựng? Họ cố tình xây mà nhà em không cho xây thì ai sẽ đứng ra để giải quyết về việc này? Nếu họ cố tình xây thì sẽ phải chịu những hình phạt như thế nào?

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

-Thứ nhất là gia đình kia có được phép xây mộ không:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất đó đã thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn và cũng đã được cấp sổ đỏ. Do đó, mảnh đất đó của gia đình bạn đã được Nhà nước thừa nhận là đất hợp pháp nên gia đình bạn có mọi quyền đối với đất đó.

Điều 179 Luật đất đai 2013 quy định về Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;

c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

d) Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;

đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;

e) Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này;

g) Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

h) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh;

i) Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.

.........................................................................................”

Căn cứ vào quy định trên thì mảnh đất đó thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình bạn nên gia đình bạn có quyền định đoạt, sử dụng đối với đất đó.

Vì vậy, khi gia đình kia không có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó mà vẫn cố tình xây mộ rộng hơn trên đất nhà bạn thì gia đình bạn có quyền yêu cầu gia đình kia không được xây và cũng có quyền yêu cầu gia đình kia di dời mộ đi chỗ khác nhưng gia đình bạn không được xâm phạm đến mồ mả của họ.

-Thứ hai là nếu gia đình kia vẫn cố tình xây khi không có sự đồng ý của gia đình bạn:

Nếu gia đình đó vẫn kiên quyết xây khi không có sự đồng ý của gia đình bạn thì bạn có thể gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để được hòa giải về tranh chấp đất đai.

Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

“...........................................................................

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

............................................................................”

Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

......................................................................................”

Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp hòa giải không thành thì gia đình bạn có thể làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

-Thứ ba là những hình phạt mà gia đình kia bị xử lý khi có hành vi vi phạm:

Điều 206 Luật đất đai 2013 quy đình về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.”

Theo đó, gia đình kia nếu vẫn cố tình xây mộ thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, gia đình đó còn phải bồi thường theo mức thiệt hại cho gia đình bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp đất đai trong trường hợp xây mộ trên đất nhà khác. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Tú Hiền – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo