Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp?

Câu hỏi tư vấn: Khi quy hoach Khu kinh tế của tỉnh được thực hiện theo Quyết định số .../QĐ-TTg (năm 1999). Năm 2001, nhà e được đền bù 10.000m2 đất nông nghiệp để làm cồng viên thành phố (thuộc Khu kinh tế C), phần đất còn lại là 688m2 đất nông nghiệp. Năm 2002-2004, nhà e tiếp tục canh tác lúa và cây lâu năm trên 688m2 đất còn lại.

 

Tuy nhiên, do đất nằm trong quy hoạch nên không thể canh tác và xây dựng nhà ở. Nên từ năm 2004 đến nay (2016), gia đình không trồng lúa, nhưng các cây lâu năm: bạch đăng, tràm vàng... vần còn trên đất. Trong thời gian này, Năm 2004, có 01 gia đình xin ở nhờ (ở đậu) trên phần đất này, tuy nhiên gia đình không cho ở. Năm 2009, có quyết định điều chỉnh Quy hoạch khu kinh tế theo Quyết định số 18XX/QĐ-TTg và gia đình em phát hiện gia đình kia đã xây nhà cấp 4 trên đất.Năm 2013, tiến hành xác minh đền bù, nhưng gia đình không được mời để tham gia thống kê, kiểm kê tài sản trên đất, xác định hiện trạng đất.

 

Năm 2015, UBND huyện ra quyết định thu hồi 288m2 đất (trong tổng số 688m2) để làm đường. Trong đó, chỉ bồi thường 288m2 đất, mà không có các chính sách hỗ trợ; bồi thường hoa màu, vật kiến trúc cho gia đình e; nhưng lại bồi thường nhà cửa, kiến trúc, hoa màu cho gia đình ở đậu trên đất. Lý do: gia đình không trực tiếp sản xuất; gia đình là cán bộ công chức. Vậy cho em hỏi:

 

1. Ngoài bồi thường về đất, gia đình e có được bồi thường về cây lâu năm và chính sách hỗ trợ khác hay không? 

 

2. Việc UBND huyện ra quyết định bồi thường về nhà, cửa, vật kiến trúc: hoa màu, cây trái cho gia đình ở đậu (không được sự đồng ý của gia đình) có đúng luật quy định?  Rất mong sự hồi đáp của quý luật sư Công ty Luật Minh Gia.Gia đình chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau

 

​-Thứ nhất, liên quan tới bồi thường nhà cửa, kiến trúc công trình trên đất.

 

Như bạn nói thì thời điểm 2009 có gia đình đã xây dựng nhà cửa trên đất gia đình bạn trong khi chưa có sự đồng ý của gia đình bạn. Năm 2013, tiến hành xác minh đền bù, nhưng gia đình không được mời để tham gia thống kê, kiểm kê tài sản trên đất, xác định hiện trạng đất. Năm 2015, UBND huyện ra quyết định thu hồi 288m2 đất (trong tổng số 688m2) để làm đường. Trong đó, chỉ bồi thường 288m2 đất cho gia đình bạn còn nhà cửa, kiến trúc, hoa màu trên đất do gia đình xây dựng lên thì lại là đối tượng được hưởng bồi thường.

 

Theo quy định về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng... thì chủ sở hữu nhà ở.. là đối tượng được bồi thường nên mặc dù công trình, hoa màu là do gia đình trên tạo nên nhưng chủ sở hữu đối với đất đó là gia đình bạn nên gia đình bạn sẽ thuộc đối tượng được bồi thường chứ không phải gia đình kia. Việc Uỷ ban xã lấy lý do không trực tiếp sản xuất, gia đình là cán bộ công chứng để không bồi thường là không có căn cứ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 89, Luật đất đai 2013 và 

 

Điều 89. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất

 

1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

 

2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

 

3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

-Thứ hai, bồi thường thiệt hại đối với hoa màu, cây trồng trên đất.

 

Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì 288m2 trong tổng số 688m2 đất mà Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án quy hoạch khu kinh tế thuộc quyền sở hữu gia đình bạn và trong đó diện tích đất là để trồng cây lâu năm thì khi thu hồi Nhà nước ngoài việc bồi thường về đất thì còn phải bồi thường  cho chủ sở hữu đối với cây trồng trên đó (cây bạch đằng, tràm vàng...) theo quy định tại Điều 90 Luật đất đai 2013. Cụ thể:

 

Điều 90. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi

 

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

 

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

 

b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

 

c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

 

d) Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

 

Đồng thời, Nghị định 47/2014/NĐ-CP hướng dẫn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

 

Điều 9. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

 

Việc bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

 

1. Mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

 

2. Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo công thức sau:

 

Tgt = G1-G1/TxT1

 

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

 

3. Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, những vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

 

4. Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

 

Như vậy, khi có quyết định thu hồi và phương án đền bù thì gia đình bạn ngoài được đền bù về đất còn được bồi thường với mức phù hợp đối với công trình xây dựng, hoa màu, cây cối...có trên đất. Ngoài ra, gia đình còn có thể được nhận những khoản chi trả về hỗ trợ khi thu hồi đất nếu như gia đình đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật., cụ thể, đối với những hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì ngoài việc bồi thường đối với diện tích đất thu hồi còn được được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Về các khoản hỗ trợ thì bạn có thể tham khảo bài viết sau:

 

Có được nhận tiền hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp hay không?

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo