LS Vy Huyền

Thủ tục nhận thừa kế nhà đất do cha mẹ để lại

Kính thưa Luật sư Gia đình tôi có sáu anh chị Em, tôi là con út trong gia đình. Tôi có hai Chị và một Anh trai đang định cư ở Mỹ từ năm 1975 và hai Chị cùng tôi đang ở VN.


Ba tôi khi qua đời thì không để lại di chúc gì, nhưng mẹ tôi khi qua đời có để lại di chúc là dùng một nửa nhà và đất của ba mẹ tôi đứng tên để làm nhà thờ tự (không được mua bán đổi chát gì). Tôi xin Luật sư cho tôi được biết một số vấn đề sau:
1. Sáu anh, chị Em tôi phải làm các thủ tục như thế nào để xin thừa kế phần di sản của Ba mẹ tôi để lại?
2. Hai Chị và một Anh của tôi đang ở Mỹ có được hưởng thừa kế không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Thủ tục nhận thừa kế phần di sản.
 
Hồ sơ : 
 
+ Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người có quyền thừa kế.
 
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
 
+ Giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
+ Di chúc hợp pháp.
 
+ Giấy uỷ quyền, giấy từ chối di sản thừa kế.
 
Việc khai nhận di sản thừa kế quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất phải được công chứng.

Thủ tục sang tên quyền sử dụng đất:

Thành phần hồ sơ:


1. Hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế.

2. Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

3. Tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất (Mẫu số 01/LPTB kèm theo 156/2013/TT-BTC ngày  06/11/2013 của  Bộ Tài chính) (bản chính); Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (Mẫu số 11/KK-TNCN kèm theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) (bản chính).

Số lượng: 01 bộ hồ sơ.

 d) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND cấp huyện.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.
 
Thứ hai, đối với quyền thừa kế của anh và chị của bạn đang định cư ở nước ngoài

Điều 5 Luật đất đai 2013 về người sử dụng đất thì:

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

“1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);



6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

…”

Như vậy, theo quy định trên, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được phép nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật về quốc tịch. Do đó, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà đã thôi quốc tịch Việt Nam thì không được phép nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam thì được nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam theo quy đinh tại Điều 169 Luật đất đai 2013:

“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.



Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;


…”

Từ các quy định trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên việc nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên với điều kiện người đó vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
 
Đối với quyền sở hữu nhà của anh chị bạn đang định cư ở nước ngoài :
 
Theo căn cứ tại Điều 8 Luật nhà ở 2014 quy định về Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở có quy định:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

…. 

b, Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

…”

Như vậy, anh chị của bạn định cư ở nước ngoài được hưởng quyền thừa kế nhà và đất do cha mẹ để lại theo pháp luật (trong trường hợp trong di chúc không đề cập đến phần đất và nhà không dùng để thờ cúng) hoặc theo di chúc (Nếu di chúc ghi rõ phần đất và nhà không dùng để thờ cúng để lại cho các anh chị em). Nếu trong di chúc của mẹ bạn có ghi không để lại đất và nhà cho họ thì họ không được hưởng quyền kế.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục nhận thừa kế nhà đất do cha mẹ để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Thu Huyền - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo