Lò Thị Loan

Thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bố mẹ mất?

Luật sư tư vấn về thủ tục sang tên đất và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Nội dung tư vấn như sau:

 

Luật sư tư vấn về: Kính gửi : Công Ty Luật Minh Gia. Kính nhờ Quý Công ty tư vấn cho tôi về thủ tục pháp lý khi phân chia tài sản của cha mẹ để lại không có di chúc, nội dung như sau : 

-  Cha mẹ tôi đã mất có để lại một căn nhà có sổ đỏ được cấp năm 2006 đứng tên cha mẹ tôi nhưng không có di chúc. Gia đình tôi có 9 anh em nhưng 01 người anh đã mất (có vợ và 01 con) và 01 người đã định cư ở nước Mỹ.

-  Gia đình tôi thống nhất bán căn nhà trên và chia làm 10 phần bằng nhau mỗi người được 01 phần (bao gồm cả người anh đã mất), riêng người con trai út được 02 phần.

- Phần của người anh đã mất chúng tôi muốn chia cho chị dâu ½ và cháu chúng tôi ½. Xin Luật sư tư vấn cho chúng tôi phải làm thử tục, hồ sơ pháp lý như thế nào để bán và phân chia tiền bán căn nhà này. Xin chúc Quý Công ty thành công và ngày càng phát triển.  Trân trọng cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước tiên, bạn và các đồng thừa kế cần liên hệ văn phòng công chứng để thực hiện việc kê khai và thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm:

 

 1. Hồ sơ pháp lý của người đề lại di sản thừa kế gồm:

 

- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao).

 

- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính kèm bản sao)

 

- Di chúc (nếu có)

 

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất….)

 

 2. Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế của người nhận di sản gồm:

 

- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của từng người (bản chính và bản sao);

 

- Hộ khẩu (Bản chính và bản sao);

 

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân (bản chính và bản sao);

 

- Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính và bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản thừa kế (mục đích nhằm được miễn thuế thu nhập cá nhân và chứng minh quan hệ huyết thống giữa người để lại di sản và người thừa kế).

 

- Ngoài các giấy tờ trên, có thể từng địa phương sẽ yêu cầu một số hò sơ, giấy tờ đặc thù.

 

Sau khi bạn ra Văn phòng công chứng bạn sẽ được Công chứng viện soạn thảo Thông báo khai nhận di sản thừa kế có dấu và chữ ký của Công chứng viên. Sau đó Văn bản trên được niêm yết tại UBND phường/xa/thị trấn sau thời hạn 30 ngày để được UBND xã xác nhận đã niêm yết và trong thời gian trên không có khiếu nại hoặc tranh chấp di sản thừa kế trên.

 

Sau khi có thông báo khai nhân di sản thừa kế bạn mang thông báo đó quay trở lại Văn phòng công chứng để lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa các đồng thừa kế với nhau. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này phải được lập thành văn bản và các đồng thừa kế có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận này.

 

Điều 57, Luật công chứng 2014  quy định về Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

 

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

 

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

 

Sau khi có Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bạn tiến hành việc đăng ký sang tên tại Văn phòng đăng ký đất và nhà - Phòng tài nguyên môi trường nơi có bất động sản tọa lạc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Hương Giang - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo