LS Thanh Hương

Thủ tục hiến đất xây Chùa được thực hiện thế nào?

Luật sư tư vấn trường hợp dân làng tự nguyện hiến đất để xây dựng Chùa chiền và những thủ tục pháp lý xoay quanh vấn đề này.

 

Xin chào Luật sư. Tôi  muốn nhờ Luật sư tu vấn và chỉ giúp trình tự, thủ tục hồ sơ xin mở rộng đất của Chùa làng.Thưa Luật sư. Làng tôi có ngôi chùa được xây dựng từ nhiều trăm năm nay, với diện tích hơn 10 mẫu. Nhưng do tiêu thổ kháng chiến, chùa bị phá dỡ hết, đất đai bỏ hoang. Hòa bình lập lại, nhất là sau khi đổi mới, dân tự khai phá đất chùa để canh tác nông nghiệp, rồi sau đó cấp sổ đỏ cho dân. Năm 1997, dân làng dựng tạm ngôi Tam bảo. Năm 2012, nhà nước cấp sổ đỏ cho chùa theo hiện trạng là 0,5 ha. Hiện nay dân làng muốn xin nhà nước cho mở rộng thêm diện tích chùa (trong đó có nhiều hộ đồng ý hiến trả lại đất chùa) thêm khoảng hơn 1 ha nữa, thì trình tự thủ tục hồ sơ như thế nào và gửi cấp nào (từ xã lên tỉnh), mong Luật sư giúp đỡ và tư vấn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Luật Đất đai 2013 có quy định về đất cơ sở tôn giáo tại Điều 159 như sau:

 

Điều 159. Đất cơ sở tôn giáo

 

1. Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

 

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

 

Như vậy, Nhà Chùa cũng được coi là cơ sở tôn giáo vào chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai về các quy định liên quan đến nhận quyền sử dụng đất của cơ sở tôn giáo tại Điều 169 như sau:

 

Điều 169. Nhận quyền sử dụng đất

 

1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

g) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

 

i) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định;

 

l) Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;”

 

Như vậy, cơ sở tôn giáo chỉ được nhận quyền sử dụng đất qua các hình thức: được nhà nước giao đất, được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai của cơ quan có thẩm quyền.

 

Đồng thời, Điều 102 – Luật Đất đai 2013 có quy định các điều kiện để cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khoản 4 như sau:

 

Điều 102. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất

 

4. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Được Nhà nước cho phép hoạt động;

 

b) Không có tranh chấp;

 

c) Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.

 

Theo quy định trên thì cá nhân, hộ gia đình không thể trực tiếp chuyển nhượng, tặng cho đất cho chùa để xây dựng cơ sở vật chất tại thời điểm hiện tại. Nếu muốn hiến đất cho chùa, các bạn có thể làm đơn hiến đất gửi lên UBND để xem xét nguyện vọng hiến đất với mục đích xây dựng cơ sở tôn giáo, sau khi xem xét nguyện vọng và thấy phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và tình hình thực tế tại địa phương, nhà nước sẽ phê duyệt hồ sơ tự nguyện trả đất để hiến tặng cho cơ sở tôn giáo, Nhà nước sẽ thực hiện thủ tục thu hồi đất của người hiến tặng và giao đất cho cơ sở tôn giáo. Từ đó, với quyết định giao đất cho cơ sở tôn giáo, nhà Chùa sẽ được quyền sử dụng mảnh đất đó để xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất.

 

Thủ tục tự nguyện trả lại đất cho nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 65 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:


Điều 65. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người 



1. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất được quy định như sau: 


a) Người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì gửi thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường; 



b) Cơ quan ban hành quyết định giải thể, phá sản gửi quyết định giải thể, phá sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản; 


c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cá nhân người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; 



d) Hàng năm, cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức rà soát và có thông báo về những trường hợp không được gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn; 



đ) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất; tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo hủy Giấy chứng nhận đối với trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận. 

 

Như vậy, về phía nhà chùa cần lập dự án mở rộng cơ sở tôn giáo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Còn các hộ gia đình nếu muốn hiến trả đất, các bạn có thể gửi thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường trong đó thể hiện rõ mục đích trả lại đất là để hiến đất xây Chùa. Sau khi phê duyệt dự án mở rộng rộng chùa, cùng với xét duyệt hồ sơ tự nguyện trả đất của các bạn, Nhà nước sẽ ra quyết định giao đất cho nhà Chùa để xây dựng, cơi nới cơ sở vật chất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo