Lò Thị Loan

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai?

Luật sư tư vấn về : Các nguyên nhân dẫn đến sai sót trong việc đo đạc diện tích đất và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.

 

Luật sư tư vấn về: Kính chào các luật sư, Gia đình tôi có một miếng đất vườn 8,5 công. Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rõ ràng. Gia đình tôi canh tác đã khoảng 9 năm nay. Giờ tôi bán cho người khác để đi nơi khác làm ăn. Tuy nhiên, ông đất kế bên đã dời cột mốc ranh giới giữa đất của tôi và ông ta. Ông lấn sang đất của chúng tôi khoảng 5m dọc theo ranh giới. Đồng thời ông ta cũng dời phần cột mốc đất ông với phần đất liền kề với người kia nữa với diện tích đúng với diện tích mà ông ta lấn sang đất tôi (tức ông ta nói phần đất ông ta giáp với ông nọ không phải đất của ổng, còn ông nọ thì nói đất của ông nọ không tới đó, tức cuối cùng có một phần đất hoang giữa a mảnh đất của 2 ổng). Tôi đã có nhờ địa chính xã đo lại. Khi đo lại, diện tích của ổng thì bằng diện tích trong bằng khoáng. Còn diện tích đất của tôi thì bị thiếu. Nên địa chính xã nói sẽ đo lại bằng máy trong vài ngày nữa. Nhưng theo tôi được biết, đo bằng máy thường diện tích không đúng với diện tích trong giấy (đo bằng dây). Nhưng mục đích của ông đó là muốn làm cho miếng đất của chúng tôi biến thành miếng đất có tranh chấp để chúng tôi không bán được đất. Như vậy, tôi xin hỏi:

1. Nếu khi đo lại bằng máy, diện tích 2 miếng đất của tôi và ông đó cũng khác trong giấy thì sẽ như thế nào?

2. Có cách nào để tôi được công nhân diện tích đúng như trong giấy và đúng với cột mốc như cũ hay không?

3. Chúng tôi có nên khởi kiện? (vì hiện tại chắc chắn không hòa giải được). Nếu khởi kiện thì cơ hội thắng của chúng tôi lớn hơn 50 % không? Có những yếu tố nào là lợi thế của chúng tôi? Rất mong nhận được giải đáp từ quý luật sư, Chân thành cảm ơn Chúc sức khỏe.

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khi đo đạc lại bằng máy, việc diện tích đất đo đạc trên thực tế khác với trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  có thể là do các nguyên nhân sau đây: sai sót trong việc đo đạc, kê khai khi cấp GCNQSDĐ, hoặc bị các hộ liền kề lấn chiếm hoặc kết quả đo đạc lại bằng máy là không chính xác.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của bạn là do người hàng xóm tự ý di dời cột mốc ranh giới giữa 2 bên dẫn đến sai sót trong việc đo đạc diện tích đất. Vì vậy để gia đình bạn được công nhận diện tích đúng như trong giấy và đúng như cột mốc cũ thì trong trường hợp này, bạn và người hàng xóm có thể tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về cách thức giải quyết tranh chấp. Nếu không thể tự thỏa thuận được, hai bên có thể làm đơn đề nghị UBND cấp xã nơi có đất tiền hành hòa giải. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hoà giải cho các bên.

 

Theo điều 202, Luật đất đai 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

 

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

 

Trường hợp hòa giải không thành thì gia đình bạn có thể gửi đơn lên Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điêu 203 Luật Đất đai 2013. “1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”… 

 

Về khả năng thắng kiện thì chúng tôi không thể đảm bảo chắc chắn khả năng thắng kiện của gia đình mình là bao nhiêu %. Tuy nhiên, theo những thông tin mà gia đình mình cung cấp thì gia đình bạn có thể căn cứ vào các mốc giới, danh giới, hình thể thửa đất theo hồ sơ địa chính, cũng như trong GCNQSDĐ của gia đình mình đã có sự thay đổi trên thực tế, đây sẽ là một căn cứ có lợi cho gia đình mình khi tiến hành khởi kiện ra tòa.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Hương Giang  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo