Nguyễn Ngọc Ánh

Quyền định đoạt tài sản chung là quyền sử dụng đất

Xin chào Luật sư, Xin Luật sư vui lòng tư vấn và giải đáp cho chúng tôi một số thắc mắc liên quan đến viếc hiến tặng nhà đất. Thưa luật sư, năm 1954, một số người (80 người) có mua một thửa đất lập HỘI TƯƠNG TẾ nhằm giúp đỡ lẫn nhau khi sống cũng như lúc chết…



Năm 1993, vì công việc sinh sống, một số phải đi làm xa ít về Nhà Tương Tế; một số lại già nua, sợ không còn ai, nên một số quý ông trong Hội đã quy tụ cuộc họp làm giấy hiến tặng cho một cơ sở tôn giáo. Số người họp là 21 người. 19 người đồng ý ký giấy hiến 2 người không đồng ý. Việc hiến tặng này diễn ra nội bộ chưa được chính quyền công nhận. Bên hiến vẫn quản lý cơ sở từ ngày làm giấy hiến cho đến năm 2012. Năm 2012, bên nhận tuyên bố cơ sở tương tế trên là của họ và đưa người vào quản lý, rồi đuổi chúng tôi ra khỏi cơ sở.


1/ Xin luật sư cho biết: tài sản trên là của tập thể 80 người, mà chỉ có 21 người họp rồi bàn nhau làm giấy hiến  tặng (19 người đồng ý hiến trên 21 người họp, 2 người không đồng ý) như vậy có đúng pháp luật chưa?


2/ Bên hiến chưa bàn giao cơ sở mà bên nhận đã vào nhà và tuyên bố: đây là nhà của họ và  đuổi bên hiến ra khỏi cơ sở có đúng không? Chúng tôi phải làm gì khi mà mất tất cả, bởi vì họ có quyền thế?


3/ Năm 2005, tin lời giám đốc nhà Tương tế (80 tuổi), tôi gia nhập Hội Tương tế và phải đóng góp một số tiền theo luật của Hội là 10 triệu. Năm 2009, theo lời mời của Giám Đốc cơ sở, tôi về Nhà Tương Tế giúp các cụ già ở đó, và đã bỏ tiền xây dựng cơ sở, làm đường vào, sửa bếp ...


Thưa luật sư, vì tình nghĩa mà cha ông chúng tôi hiến cho họ, nhưng họ sống không có tình nghĩa chi hết, lại còn ngược đãi chúng tôi. Chúng tôi có quyền đòi lại số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra xây dựng khi còn ở đó từ năm 2009 đến năm 2014 hay không? Và phải làm như thế nào ?



Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:



- Thứ nhất, về quyền sở hữu đối với đất



Tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 có quy định như sau:



“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất."



Theo đó, người nào có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với phần diện tích đất đó.



Trường hợp của anh/chị chưa cung cấp rõ ràng về việc đất này đã được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp chưa (cấp GCNQSD đất) do đó, anh/chị có thể đối chiếu lại trường hợp của mình.



Ngoài ra, về quyền sở hữu của các đồng sở hữu, nếu như có căn cứ để xác định rằng toàn bộ (80 người) đều có quyền đối với phần đất này thì việc họp hiến tặng đất của 21 người sẽ là trái pháp luật, vì khi thực hiện giao dịch đối với tài sản chung của nhiều người thì phải có sự đồng ý của tất cả những người có quyền sở hữu (Điều 223 Bộ luật dân sự 2005 - Định đoạt tài sản chung).



- Thứ hai, về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản



Tại Khoản 1 Điều 168 Bộ luật dân sự 2005 quy định:


Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản



1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.



Theo quy định trên, thì quyền sở hữu đối với bất động sản được xác định kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Nhà nước công nhận quyền sở hữu). Vì vậy, bên được tặng cho bất động sản sẽ chưa có quyền sở hữu hợp pháp khi chưa đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền định đoạt tài sản chung là quyền sử dụng đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến  để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo