LS Vy Huyền

Như thế nào thì được tách thửa đất?

Tôi có một miếng đất lớn hiện đã lên thổ cư một nửa trước đó để xây nhà ( 80m2 ), hiện giờ miếng đất còn lại tôi mới lên thổ cư them 140m2 nữa và có nhu cầu tách ra làm đôi để cho người thân. Theo quy định mới thì dưới xã là tối thiểu phải 80m2 sẽ được tách thửa, nhưng nay tôi lên xã hỏi thì được cán bộ xã nói không tách được vì 2 miếng đất lên thổ cư không bằng nhau. Quý công ty cho hỏi có phải như vậy không?

Nội dung tư vấn: Xin chào quý công ty,Tôi có một số thắc mắc về việc tách thửa đất, mong bên cty có thể hỗ trợ tư vấn giúp tôi. Tôi có một miếng đất lớn hiện đã lên thổ cư một nửa trước đó để xây nhà (80m2), hiện giờ miếng đất còn lại tôi mới lên thổ cư them 140m2 nữa và có nhu cầu tách ra làm đôi để cho người thân. Theo quy định mới thì dưới xã là tối thiểu phải 80 m2 sẽ được tách thửa, nhưng nay tôi lên xã hỏi thì được cán bộ xã nói không tách được vì 2 miếng đất lên thổ cư không bằng nhau. Phải lên thêm miếng đất mà tôi đã lên thổ cư 80m2 trước đó cho bằng với diện tích thổ cư của miếng 140m2 thì mới tách làm đôi được.

Hỏi quý công ty cho hỏi có phải như vậy không? Và giờ có cách nào để tôi có thể giải quyết vấn đề này không? Mong nhận được sự phải hồi sớm của quý công ty.Tôi xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Do bạn chưa nêu rõ thửa đất bạn đang ở là đất ở tại nông thôn hay đất ở tại đô thị, do đó sẽ chia ra hai trường hợp như sau:


Thứ nhất, là đất ở tại nông thôn. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2  Điều 143 Luật Đất đai 2013 có quy định như sau:

 

“Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán của địa phương.”

 

Thứ hai, là đất ở tại thành thị. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai 2013 có quy định như sau:

 

“Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.”

 

Việc xã lấy lý do hai mảnh đất lên thổ cư không bằng nhau để làm căn cứ không tách thửa đất cho bạn là sai. Để được tách thửa đất thì diện tích đất được tách phải đảm bảo điều kiện về diện tích tối thiểu được tách thửa do UBND cấp tỉnh ban hành là được tách thửa. Trường hợp hợp này nếu như bạn muốn tách đôi diện tích 140 m2 có nghĩa là mỗi mảnh sau khi tách thửa có diện tích là 70 m2 như vậy không đáp ứng điều kiện diện tích tối thiểu được tách thửa do UBND cấp tỉnh ban hành là 80 m2.

 

Tuy nhiên tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Đất đai 2013 có quy định như sau:


Điều 29. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu


“…3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.”



Căn cứ theo quy định trên, thì miếng đất của bạn có thể được tách thửa nếu được hợp thửa với thửa đất liền kề để tạo nên thửa đất bằng hoặc lớn hơn diện tích đất tối thiểu được tách thửa. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vi Thị Huyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo