Luật gia Nguyễn Nhung

Như thế nào là hành vi lấn, chiếm đất đai?

Lấn chiếm đất đai là tình trạng khá phổ biến hiện nay, điều này ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất và là nguyên nhân gây ra vấn đề tranh chấp. Vậy đối các hành vi lấn chiếm đất đai thì bị xử lý như thế nào, để được giải đáp vấn đề này bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được tư vấn cụ thể.

1. Luật sư tư vấn về hành vi lấn chiếm đất đai

Pháp luật đất đai hiện hành đã có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các hành vi lấn chiếm đất đai, tuy nhiên các hành vi vi phạm này vẫn liên tục diễn ra.

Do đó, ngoài việc xử lý về các trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề lấn chiếm thì các cơ quan có thẩm quyền khi xử lý hành vi vi phạm cần phổ biến thêm các quy định pháp luật về việc quản lý, sử dụng đất.

Trong trường hợp, gia đình bạn gặp phải các vấn đề trên và chưa biết phải giải quyết như thế nào thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi lấn chiếm đất đai?

Nội dung tư vấn: Nhà tôi mua đất từ năm 1992 bằng vàng với giá cả tự do không theo khuôn khổ nhà nước qui định và được cấp giấy chứng nhận ngang 4,1m dài tổng cộng 16m.

Gia đình tôi sống và ổn định đến năm 1995 mới cấp bằng khoán ngang 4,1m dài 12m không đúng với giấy chứng nhận ban đầu và cấp cho mẹ tôi. Và chúng tôi có làm đơn khiếu nại không được trả lời ngày nay tháng nọ trôi qua. Đến 28/06/2016 ở xã xuống lập biên bản bảo là cha tôi lấn chiếm đất công. Chúng tôi không đồng ý kí vào biên bản đến ngày 5/7/2016 ở huyện ban hành quyết định khắc phục hậu quả dựa vào biên bản 28/06/2016 của xã của phó chủ tịch huyện kí và ban hành bảo chúng tôi lấn chiếm năm 2013 và chúng tôi có làm đơn khiếu nại quyết định này ở huyện mời lên đối thoại và chánh thanh tra huyện trả lời trong biên bản bảo chúng tôi lấn chiếm vào các năm 1996 đến 2000. Trong khi năm 2016 không hề có hành vi lấn chiếm nào không hề có biên bản nào được lập bảo chúng tôi lấn chiếm đất từ năm 1992 tới 2016. Vậy cho hỏi luật sư chúng tôi xác định lấn chiếm năm nào nếu vi phạm 1996 vậy sau 20 năm xã mới lập biên bản là đúng hay sai và người chủ đất là mẹ tôi nhưng từ đầu biên bản lập, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế là cha tôi vậy có đúng với pháp luật qui định không. Mong quí luật sư giáp đáp thắc mắc dùm cám ơn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, hành vi như thế nào được coi là lấn đất, chiếm đất.

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định Số: 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:

1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Theo đó, hành vi được coi là lấn đất phải có dấu hiệu dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích ban đầu gia đình anh được nhận chuyển nhượng, với mục đích để mở rộng diện tích thực tế.

Về hành vi chiếm đất  là hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng.

Đối với trường hợp của gia đình bạn, gia đình đã nhận chuyển nhượng từ năm 1992. Năm 1995 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không đúng với diện tích thực tế.  Nếu gia đình bạn không có hành vi lấn đất, chiếm đất như trên đã phân tích nên không được coi là lấn chiếm đất đai. 

Thứ hai, về việc 20 năm sau cơ quan có thẩm quyền mới lập biên bản, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế.

Theo điểm a khoản 1 điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

 “a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm..”

Giả sử, gia đình anh có hành vi lấn chiếm đất đai nhưng đến thời điểm hiện tại hành vi vi phạm này đã quá thời hạn xử phạt hành chính. Vì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai là 2 năm.

Theo điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính:

“1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:

c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này..;”

2.Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.”

Như vậy, hành vi lấn chiếm đất đai đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn có thể thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại đất đã lấn, chiếm ( điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định Số: 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Nếu có hành vi trốn tránh, chống đối, trì hoãn hoặc cản trở thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định cưỡng chế.

Trong trường hợp có căn cứ cha bạn là người có hành vi vi phạm thì trên biên bản, quyết định cưỡng chế là tên cha bạn.  Cơ quan có thẩm quyền sẽ không căn cứ ai là người đứng tên trên GCNQSDĐ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo