Luật gia Nguyễn Nhung

Mẹ muốn tặng cho con nhà đất cần thực hiện những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn về việc mẹ muốn tặng cho con nhà đất nhưng gặp một số khó khăn về các giấy tờ. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia.Tôi có một việc vướng mắc kính mong Quý Công ty tư vấn giúp tôi. Mẹ tôi sinh năm 1942, bố tôi sinh năm 1952 gặp nhau và về chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1982  mẹ tôi có mua 1 ngôi nhà  bằng tiền riêng của mẹ tôi để ở cùng và sinh ra tôi năm 1984. Trong giấy khai sinh của tôi có cả tên của bố và mẹ tôi. Trong sổ đỏ thì đứng tên mình mẹ tôi và sổ hộ khẩu thì có tên mẹ tôi và tên tôi. Bố tôi không có tên trên giấy tờ gì ngoài giấy khai sinh của tôi.Nay Mẹ tôi muốn sang tên cho tôi ngôi nhà đó nhưng phải chứng minh đó là tài sản riêng của mẹ tôi thì mới sang tên được. Vì vậy tôi có đưa Mẹ tôi ra phường xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Mẹ tôi thì họ lại yêu cầu giấy khai sinh của tôi. Tuy nhiên tên và năm sinh của Bố tôi trên giấy khai sinh của tôi không khớp với CMT của bố tôi nên họ yêu cầu Bố tôi đến trình diện và hướng dẫn tôi  đính chính lại giấy khai sinh. Vậy tôi tha thiết  kính mong quý Công ty tư vấn giúp tôi thủ tục sang tên nhà của Mẹ cho con gái  vì tôi và mẹ tôi đã tìm hiểu và chạy vạy nhiều nơi suốt hàng chục năm rồi mà chưa làm được và bên Tư pháp ở phường nơi Mẹ tôi đăng ký hộ khẩu hướng dẫn như vậy có đúng không? Nay Mẹ tôi tuổi cao sức yếu, mong muốn duy nhất là sang tên được ngôi nhà cho tôi. Kính nhờ Quý công ty tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn sống chung như vợ chồng đến năm 1984 thì sinh bạn. Trước đó, năm 1982 mẹ bạn đã dùng khoản tiền riêng để mua một căn nhà gắn liền với đất. Bây giờ muốn tặng cho bạn nhưng lại gặp khó khăn về các giấy tờ. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Để thực hiện thủ tục tặng cho nhà đất cho bạn, bố mẹ và bạn cần phải thực hiện các bước sau:

 

Bước 1 : Ba và mẹ bạn đến UBND xã nơi thường trú để làm thủ tục cấp giấy nhận tình trạng hôn nhân.

 

Căn cứ Khoản 2 Điều 44 Nghị định Số: 123/2015/NĐ-CP Nghị định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch:

 

“2. Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.”

 

Đồng thời tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:

 

"4. Người đang có vợ hoặc có chồng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;"

 

Ba và mẹ bạn đã chung sống với nhau trước năm 1987, vì vậy đã đủ điều kiện để công nhận quan hệ hôn nhân là hợp pháp. Và quan hệ hôn nhân này được xác lập kể từ khi hai người sống chung với nhau như vợ chồng. Ba và mẹ bạn đến UBND xã nơi cư trú để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân.

 

Về thủ tục cấp GXNTTHN, theo trình tự sau:

 

“Điều 22. Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

 

1. Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

 

2. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.

 

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

 

4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

 

5. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

 

6. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thì phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó.”

 

Bước 2: Ba mẹ và bạn cùng ra văn phòng công chứng nơi mình cư trú thực hiện những thủ tục sau:

 

Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản, văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

 

Trong trường hợp của bạn, bố mẹ phải bạn lập một văn bản thỏa thuận tài sản với nội dung đây là tài sản riêng của mẹ bạn. Sau đó thực hiện thủ tục công chứng tại Phòng công chứng, Văn phòng công chứng văn bản thỏa thuận này.

 

-  Hồ sơ bao gồm:

 

+ Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

 

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

 

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

 

Bước 3: Mẹ bạn lập một hợp đồng tặng cho nhà ở, sau đó cùng bạn đến phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bản tỉnh, thành phố nơi có đất hoặc UBND cấp xã để công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho.

 

Khi đi bạn và mẹ bạn mang theo các loại giấy tờ sau:

 

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

 

+ Văn bản thỏa thuận tài sản của ba mẹ bạn đã lập trước đó.

 

+ Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

 

+ Giấy khai sinh của bạn.

 

Bước 4: Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên bạn tại văn phòng đăng ký đất đai,

 

- Hồ sơ bao gồm:

 

+ Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

 

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

 

+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV tư vấn: Phan Huyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo