Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Thỏa thuận phân chia thừa kế để tách thừa đất đai thế nào?

Luật sư tư vấn về việc hợp pháp hóa thỏa thuận chia di sản thừa kế là đất đai khi người chết không để lại di chúc và thủ tục tách thửa sau thừa kế, nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi:

Thưa quý anh (chị)! tôi có một vài nội dung muốn hỏi quý anh (chị) như thế này: ông tôi qua đời cách đây vài ngày, sau khi ông mất gia đình có họp và bàn một số công chuyện liên quan đến đất đai và quyền thừa kế. Ông chết không để lại di chúc.và quyền thừa kề này do trưởng dòng họ và em trai của ông tôi viết và có sự đồng ý của bà tôi (tức vợ ông) sau khi viết bản thừa kế và ký chứng thực. gia đình phát hiện sổ đỏ của gia đình đứng tên ông là nguyễn văn G với diện tích là 964m2 được cấp từ năm 1997 và so sánh với chứng minh thư thì không chính xác là nguyễn xuân G.

Vậy tôi muốn hỏi quý anh (chị) làm thế nào để cho bản thừa kế kia hợp pháp để các con được thừa thường từ quyền cho tặng của người mẹ? và thủ thủ tục tách các phần đất kia cho 5 người thì phải làm như thế nào? xin cảm ơn! mong nhận được câu trả lời từ văn phòng.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về đăng ký và quản lý hộ tịch

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP, ngày 27-12-2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với người đó". Như vậy, giấy khai sinh là chuẩn mực của các loại giấy tờ khác. Trong trường hợp các loại giấy tờ không phù hợp với nội dung của giấy khai sinh có thể đính chính tại cơ quan có thẩm quyền nên bạn không cần lo lắng về vấn đề có sự khác biệt về tên của ông bạn trong hai loại giấy tờ đã nêu.

Thứ hai, về vấn đề thừa kế

Ông bạn chết và không để lại di chúc nên theo điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật.

Những người được thừa kế tài sản được quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

 “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Những người thuộc diện được thừa kế trên nếu có thỏa thuận về phân chia di sản thừa kế thì phải lập thành văn bản và có đầy đủ chữ ký của những người này. Sau đó, gia đình bạn có thể gửi đơn đến Tòa yêu cầu mở di sản thừa kế và trình lên văn bản đã thỏa thuận để được công nhận.

Thứ ba, thủ tục chia tách đất là di sản thừa kế

Đối với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất bên bạn chỉ cần tới văn phòng đăng kí đất đai tiến hành đăng ký biến động (thay đổi quyền sử dụng đất) và đã có căn cứ là quyết định công nhận thỏa thuận chia di sản của các bạn.

Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: "Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế". Tức là thời hạn cho việc các bạn đăng ký biện động là 30 ngày kể từ ngày chia xong quyền sử dụng đất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn