Lò Thị Loan

Hành vi lấn chiếm đất bị xử lý như thế nào?

Tôi muốn tư vấn về việc tranh chấp đất sử dụng vào mục đích chung của thông ( làng), làng tôi có 1 cái hồ rộng khoảng 5 sào trước cửa đền, gia đình anh A thầu hồ nuôi cá trong vòng 15 năm, sau khi kết thúc thời gian thầu, anh A chiếm luôn khoảng hơn 2 sào và tân đất, cát vào để trồng rau, hiện tại ao đó chưa có giấy tờ chứng nhận về mặt pháp luật, nhưng người dân trong làng công nhận đó là đất chung của làng.

Kính gửi văn phòng luật Minh Gia. Tôi muốn tư vấn về việc tranh chấp đất sử dụng vào mục đích chung của thông ( làng), làng tôi có 1 cái hồ rộng khoảng 5 sào trước cửa đền, gia đình anh A thầu hồ nuôi cá trong vòng 15 năm, sau khi kết thúc thời gian thầu, anh A chiếm luôn khoảng hơn 2 sào và tân đất, cát vào để trồng rau. Hiện tại ao đó chưa có giấy tờ chứng nhận về mặt pháp luật, nhưng người dân trong làng công nhận đó là đất chung của làng. Dù đã đưa ra nhà văn hóa thôn để nói chuyện và hòa giải giữa người dân trong thôn và anh A nhưng gia đình anh A không đồng ý trả lại, vậy tôi muốn hỏi liệu có đòi lại đất ao đã bị san lấp bởi gia đình anh A, và nếu có thì hướng giải quyết như nào? Xin được sự tư vấn của văn phòng Luật Minh Gia.Xin chân thành cảm ơn!-- 

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Điều 221 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu chung của cộng đồng theo đó:

 

Điều 211. Sở hữu chung của cộng đồng

 

1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

 

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

 

Như vậy, phần đất hồ thuộc sở hữu chung của cả thôn, vì thế, việc quản lý, sử dụng, định đoạt là của tất cả thành viên trong thôn. Hành vi lấn chiếm đất  của gia đình anh A là vi phạm quy định của pháp luật.

 

Mặc khác, Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau:

 

 “1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

 

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Cũng theo Điều 10 nghị định này quy định:

 

Điều 10. Lấn, chiếm đất

 

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

 

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

 

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

 

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

 

Như vậy trong trường hợp này, nếu như gia đình anh A không có các giấy tờ chứng minh được tiếp tục sử dụng đất thì gia đình anh A sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi lấn, chiếm đất đai trái quy định của pháp luật, đồng thời bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phần đất đã chiếm. Bạn có thể viết đơn trình báo về hành vi lấn chiếm đất của gia đình anh A lên UBND cấp xã yêu cầu giải quyết. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Nguyễn Thị Phương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo