Nguyễn Thị Lan Anh

Con không đồng ý có được thực hiện phân chia quyền sử dụng đất đai không?

Quyền sử dụng đất được xem là quyền tài sản có thể tặng cho người khác. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn khi tiến hành tặng cho quyền sử dụng đất thì có cần sự đồng ý của con cái không? Để hiểu rõ vấn đề này, bạn có thể tham khảo tư vấn của luật sư để nắm được quy định cần thiết.

1. Luật sư tư vấn về tặng cho đất đai:

Hiện nay, hợp đồng tặng cho đất đai đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên chủ thể tham gia giao dịch chưa nắm rõ được các quy định pháp lý về quyền sử dụng đất đai.

Theo đó, tặng cho đất đai được hiểu là ý chí của chủ sở hữu quyền sử dụng đất, bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác mà không yêu cầu trả tiền. 

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bạn cần nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này. Trường hợp còn thắc mắc, bạn có thể liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi để được giải đáp kịp thời. Hoặc bạn có thể tham khảo tình huống thực tế mà chúng tôi tư vấn dưới đây.

2. Luật sư tư vấn về ý chí của chủ sở hữu quyền sử dụng đất khi tặng cho đất đai:

Nội dung tư vấn: Chào luât sư. Kính thưa luật sư, nhờ luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp: Trong gia đình có 5 người con trai (thứ 2; thứ 3; thứ 4; thứ 5; và người út). Nay tôi đã 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Tôi có phân chia tài sản và cấp giấy chủ quyền đất cho các con tôi cách đây 10 năm rồi. Người thứ 2; thứ 3; thứ 5 đều được cấp đầy đủ giấy chủ quyền sử dụng đất. Riêng người con Út thì tôi chưa có ủy quyền lại, hiện tại tôi vẫn đứng tên trong giấy chủ quyền phần đất còn lại. Và người thứ 4, tôi không có chia tài sản với lý do người con trai đó không nhìn nhận tôi và không phụng dưỡng tôi từ rất lâu, tính ra cũng gần 30 năm cho đến nay. Bấy lâu nay người thứ 4 đang ở trên phần đất của người thứ 3 có mục đích chiếm đoạt tài sản. Vậy kính thưa luật sư cho tôi được phép hỏi: 1/ Trường hợp tôi đã phân chia phần đất cho các con tôi vậy và được cấp thẩm quyền ký xác nhận và cấp giấy chủ quyền hết rồi mà người Út trong gia đình hiện cùng hộ khẩu tôi nhưng cũng xây nhà ở riêng không phụng dưỡng hay thờ cúng ông bà và giờ tôi ở có một mình. Tuy nhiên trong lúc phân chia thì người Út thống nhất và không có ký xác nhận gì hết, vậy giờ đứa con út này của tôi không đồng ý, đề nghị hủy bỏ các giấy chủ quyền đã cấp cách đây 10 năm có phù hợp và đúng với pháp luật không ?  2/ Trường hợp người thứ 4 đang có mục đích chiếm đoạt phần đất của đứa con tôi là người thứ 3. Đã được đưa ra UBND xã hòa giải không thành và đồng thời đã được khởi kiện ra tòa hòa giải vẫn không thành. Nhờ luật sư cố vấn cho tôi được biết thông thường ở tòa án hòa giải không thành bao nhiêu lần mới đưa ra xet xử sơ thẩm và thời gian đến khi nào mới thực hiện xét xử sơ thẩm là bao lâu?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề phân chia quyền sử dụng đất đai:

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ, vì vậy chưa có căn cứ xác định đất thuộc quyền sử dụng đất đai là của riêng bạn hay cả hộ gia đình.

Trong trường hợp đất này thuộc quyền sử dụng đất là của cá nhân bạn, bạn hoàn toàn có quyền phân chia đất đai cho bất kỳ ai mà không cần có sự đồng ý của con Út. Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các con của bạn là đúng căn cứ pháp luật và con Út không có quyền đề nghị hủy bỏ các giấy tờ đã được xác lập đúng quy định.

Nếu quyền sử dụng đất thuộc về hộ gia đình thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải có sự đồng ý của tất cả những người có tên trong hồ sơ kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Vì vậy, trong trường hợp con Út có tên trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và không đồng ý với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì vẫn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái với quy định của pháp luật.

Thứ hai, về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai:

Tại Điều 10 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định: Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”.

Ngoài ra, Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định các điều khoản khác về vấn đề hoà giải nhưng không quy định cụ thể trước khi mở phiên toà sẽ hoà giải bao nhiêu lần. Như vậy, tuỳ vào từng vụ án cụ thể, căn cứ vào tính chất vụ việc Toà án sẽ quyết định mở bao nhiêu phiên hoà giải để phù hợp với việc giải quyết vụ án đó.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án mà chị nêu là 04 tháng, kể từ ngày tòa án thụ lý. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm nhưng không được quá 02 tháng. Tổng thời gian để tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm trong trường hợp vụ án phức tạp là 06 tháng, kể từ ngày tòa thụ lý.

Trong khoảng thời gian đó, Tòa án phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử và phải mở phiên tòa trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có lý do chính đáng thì được mở phiên tòa trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, tổng cộng thời gian từ khi thụ lý đến khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm là 08 tháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo