Đinh Ngọc Huyền

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà thờ họ.

Hỏi: Xin chào các anh, chị luật sư trong công ty Luật Minh gia.Thực tình, nỗi bức xúc của chúng tôi đã kéo dài rất lâu rồi. Và chúng tôi đã rất mong, rất hi vọng là có thể ngồi lại và giải quyết với nhau. Vì, chúng tôi là chú - cháu ruột. Các anh, chị ạ ! Ông nội của tôi có 4 người con trai.


Bà nội mất khi vừa sinh chú thứ 4 được mấy tháng, ông một mình nuôi con trưởng thành. Bố tôi là con cả, cùng 2 người em đã tham gia quân đội, chú út là thương binh nặng. Ông nội tôi mất năm 1987, để lại mảnh vườn rất rộng mà không có di chúc gì. Trong khi đó, bố mẹ tôi được hợp tác xã cấp đất ở riêng và chú thứ ba ở với ông nội và sau khi chuyển ngành về địa phương - chú được ông tôi cắt đất ở riêng. Chú thứ hai đi công nhân, lấy vợ ở nhờ các anh em của cô ( vợ chú ), chú mất sớm khi các con của cô chú còn nhỏ. Chú út ở trại điều dưỡng thương binh nặng cho đến nay. Sau khi ông nội chúng tôi mất ít lâu, bố tôi và các cô ( vợ chú hai), chú đã họp và thống nhất phân chia tài sản do ông nội để lại ( hiện nay chúng tôi vẫn giữ bản gốc biên bản này) làm 4 phần. Các chú mỗi người một phần và phần còn lại 315m2 làm nhà thờ chung. Mọi người đã ký nhận đầy đủ, duy chỉ chú thứ 3 thay đổi vào phút cuối sau khi hỏi ý kiến vợ! Tất cả rắc rối bắt đầu từ đây. Do điều kiện kinh tế không cho phép, mãi đến năm 1999 chúng tôi mới làm được nhà thờ nhánh họ trên nền nhà cũ của ông nội tôi. Và cũng từ thời gian này, chú thứ 3 công khai bâc bỏ những gì bố tôi và các chú đã thống nhất trước đó, không thừa nhận đất nhà thờ. Nhận thấy sự tráo trở của em trai, được gia đình các chú còn lại và con cái bố tôi đã tiến hành xây tường bao xung quanh nhà thờ, cho dù diện tích nhỏ hơn nhiều như đã thỏa thuận. Do đó, một số khu đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2008, bố tôi qua đời đã di chúc lại ủy quyền cho anh em tôi tiếp tục làm thủ tục đối với đất nhà thờ. Nhờ quý công ty tư vấn giúp chúng tôi.

1.Để có thể xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà thờ, chúng tôi phải làm gì?

2 . Chúng tôi có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia lại tài sản do ông nội tôi để lại hay không? 
 
Rất mong được sự giúp đỡ ! Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà thờ:

Quy định tại Điều 220 Bộ luật dân sự 2005 về sở hữu chung của cộng đồng như sau:

 “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng”.

Điều luật trên cũng quy định: Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất; các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, Luật đất đai 2013 hiện hành cũng quy định tại điều khoản 5 Điều 100 như sau:

 “Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư được thực hiện theo nguyên tắc Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, phần đất nhà thờ nhánh họ của gia đình bạn hiện nay vẫn đang có tranh chấp giữa những người con của ông bạn và chú ba của bạn về phần đất xây dựng nhà thờ này nên phần diện tích đất nhà thờ không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

Thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế..."

 Vì ông bạn đã mất hơn 10 năm nên hiện nay đã hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, ai đang trực tiếp quản lý sử dụng di sản thừa kế thì sẽ tiếp tục quản lý sử dụng, những người thừa kế khác không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Do đã hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nên khi có yêu cầu Tòa an giải quyết về vân đề chia di sản thừa kế thì sẽ không được giải quyết.

Tuy nhiên theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, cụ thể như sau:

“Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết...”.

Như vậy, để có thể phân chia di sản thừa kế này thì cần phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc các thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia. Khi đó, di sản này sẽ được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế và được giải quyết chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Tóm lại: do thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế đã hết nên nếu có tất cả các đồng thừa kế đồng ý và có văn bản xác nhận là đồng thừa kế hoặc các thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế và Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, nếu có một trong nhhững người thừa kế không đồng ý hoặc không ký vào văn bản xác nhận là đồng thừa kế thì ai đang trực tiếp quản lý sử dụng di sản thừa kế thì sẽ tiếp tục quản lý sử dụng, những người thừa kế khác không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Trường hợp này nếu có yêu cầu Tòa chia di sản thừa kế thì cũng không được Tòa giải quyết.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà thờ họ.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Thảo- Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo